Hủy
Thế giới

Châu Á muốn ai làm chủ tịch Fed?

Thứ Tư | 07/08/2013 19:45

Janet Yellen được lòng châu Á hơn Lawrence Summers, nhờ kinh nghiệm, sự khéo léo và quan điểm về nới lỏng định lượng bớt gay gắt hơn của bà.
 

Từ năm 1997, châu Á đã biết đến cái tên Lawrence Summers, đối thủ nặng kí nhất của bà Janet Yellen cho chiếc ghế đứng đầu cơ quan điều tiết chính sách tiền tệ lớn nhất của Mỹ.

Khi đó, cuộc khủng tài chính bắt đầu từ Thái Lan và nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á. Để đối phó với tình hình trên, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 3 lần trong vòng 2 tháng, để ngăn dòng vốn ào ạt tháo chạy khỏi thị trường châu Á. Thành công ấy đem lại danh hiệu "Ủy ban giải cứu thế giới" cho "bộ ba", bao gồm: Bộ Trưởng tài chính - Robert Rubin, Thứ Trưởng Lawrence Summers và Chủ tịch Fed - Alan Greenspan.

Nhưng châu Á vẫn còn cảm thấy khó chịu với sự độc đoán của bộ ba này trong giải quyết khủng hoảng, thậm chí nhiều người còn trách móc rằng, đáng lẽ cuộc khủng hoảng đã không trầm trọng đến thế.

Đó là lý do đầu tiên khiến nhiều người châu Á ủng hộ bà Janet Yellen hơn ông Summers, tiếp quản vai trò chủ tịch tiếp theo tại Fed.

Nhiều nhà hoạch định chính sách mãn nhiệm và đương nhiệm, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tại châu Á đều cho rằng Yellen là lựa chọn tốt hơn để tiếp tục thi hành công cụ chính sách tiền tệ của Ben Bernanke, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/1/2014.

Jose Camacho, Bộ trưởng tài chính Philippines (2001-2003) dự đoán rằng, kịch bản vị chủ tịch tiếp theo của Fed sẽ nghiêng về Yellen.

Trong vô vàn những bất ổn của kinh tế thế thới, điều quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất đó là, người kế nhiệm ông Bernanke sẽ kết thúc chương trình nới lỏng định lượng khi nào và bằng cách nào?

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Kim Choong Soo lo lắng về một cú sốc trên thị trường trái phiếu giống như thời điểm Fed đột ngột tăng lãi suất vào năm 1994, khi đó người ngồi ghế chủ tịch Fed vẫn là Greenspan.

Sự thay đổi đột ngột này đã đẩy cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 trở nên càng căng thẳng, đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền còn lại của châu Á, khiến cho nỗ lực neo tỷ giá và chống lại những cuộc tấn công tiền tệ trở nên vất vả hơn bao giờ hết. Và giờ châu Á cũng đang phẫn nộ trước cuộc tấn công tiền tệ mới dưới thời ông Bernanke. Dòng tiền nóng tràn ngập khu vực, thúc đẩy bong bóng tài sản phát triển.

Summers, người đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của nới lỏng định lượng, có thể sẽ là người "khai tử" cho chính sách này nhanh hơn so với bất kì ứng viên nào khác. Điều này khiến cho các chuyên gia kinh tế như Charlie Lay tại Commerzbank AG, Singapore muốn ủng hộ bà Yellen hơn.

Bởi theo ông Lay, nếu lo lắng về Summers trở thành hiện thực thì "đó chẳng phải là một tình huống khó khăn đối với châu Á và các thị trường mới nổi khác hay sao?" Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng: "Khi Mỹ suy thoái, thì châu Á phải gánh chịu và khi Mỹ đang hồi phục, châu Á lại đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức." Ông nói thêm, trong bối cảnh hiện nay, "Châu Á muốn thấy một sự liên tục và một cách tiếp cận "dần dần" của Fed nhằm tránh những biến động thái quá."

Tuy nhiên, cũng không nên quá hoảng sợ nếu ông Summers được chọn, vì các ngân hàng trung ương châu Á đang giữ hơn 3 nghìn tỷ USD trái phiếu của kho bạc Mỹ.

Chưa kể, Summers cũng là một nhà kinh tế lỗi lạc và nhà tư tưởng. Như Liu Li-Gang, chuyên gia kinh tế người Hong Kong tại Australia & New Zealand Banking Group đã chỉ ra, một số chuyên gia tài chính ở bất kì nơi nào đều có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.

Tuy nhiên, Summers phải đối mặt với một số vấn đề lớn về mặt hình ảnh. Hàng chục triệu người châu Á và nhiều nhà làm chính sách vẫn chưa hết bức xúc về vai trò của Summers trong việc đặt những biện pháp khắc khổ trên vai chính phủ các nước châu Á, hồi cuối những năm 1990. Summers và ông chủ của mình vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Rubin, áp dụng thẳng thừng, một loại chính sách cho tất cả biện pháp cải cách của Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan.

Vì sao Mỹ cần phải để mắt đến châu Á?

Tại sao Nhà Trắng nên quan tâm đến điều châu Á đang nghĩ? Bởi Fed là ngân hàng trung ương của cả thế giới. Du lịch vòng quanh châu Á, thật dễ dàng nhận ra nền kinh tế toàn cầu như một mạng lưới rộng lớn của các chuỗi liên kết và tất cả được điều khiển từ những người phía trên ông Bernanke.

Mỹ cần châu Á và châu Á cũng ngóng chờ quyết định từ Fed còn hơn từ những ngân hàng trung ương của chính họ.
Mỹ cần châu Á và châu Á cũng ngóng chờ quyết định từ Fed còn hơn từ những ngân hàng trung ương của chính họ.

Từ Seoul đến Singapore, các nhà đầu tư quan tâm nhiều về những gì đang xảy ra ở Washington hơn chính những cơ quan tiền tệ địa phương của họ.

Obama cần xem châu Á như một trục chính, bởi khu vực này đang ngày càng trở nên quan trọng đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Hiếm khi có một điều tốt khi "xuất khẩu" những hỗn loạn tài chính sang nước của những khách hàng lớn nhất như vậy.

Châu Á hiện nay là nền tài chính của Mỹ. Nhưng châu Á đã mất niềm tin và bán đồng đô la khi chính sách Fed sẽ không như mong đợi, để Obama giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ của Mỹ.

Nước Mỹ có thể là tự hào vì quy mô kinh tế lớn, sự năng động,... miễn là Mỹ cần nhớ rằng, châu Á đang nắm giữ rất nhiều tài sản thế chấp của họ.

Các nhà hoạch định chính sách châu Á coi bà Yellen là người ít phải "chịu ơn" phố Wall hơn ông Summers, người đã kiếm được hàng triệu USD từ Citigroup, Nasdaq OMX Group và quỹ đầu cơ DE Shaw & Co LP.

Bà Yellen cũng được xem là người sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong việc xây dựng những quy định cần thiết để tránh cuộc khủng hoảng tiếp theo. Trái lại, Summers lại cố gắng rút gọn những biện pháp bảo vệ đó.

Tetsuya Inoue, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường tài chính tại Nomura Research Institute (Tokyo) cho rằng: "Đối với vai trò ổn định tài chính, tôi tin tưởng rằng Janet Yellen có thể quản lý các chính sách phù hợp và khéo léo". Người ta có thể lập luận rằng cả 2 ứng cử viên có đủ điều kiện cho nhiệm vụ này, tuy nhiên có vẻ như hồ sơ của Janet Yellen phù hợp hơn so với các ứng viên còn lại."

Hans Goetti, Giám đốc văn phòng đầu tư khu vực châu Á của Finaport Investment Intelligence, tại Singapore nhận định: "Ngoài tính cách độc đoán của Larry Summers, Janet Yellen đã có tới 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, trong khi tổng số năm kinh nghiệm của Summers là con số không".

Cả Yellen và Summers đều hội tủ rất nhiều điều kiện để điều hành Fed. Tuy nhiên, dù công bằng hay không thì dường như châu Á vẫn cảm thấy thoải mái hơn nếu bà Yellen ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tiếp theo của Fed vào đầu năm sau.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới