Hủy
Thế giới

Châu Á nhòm ngó bất động sản Úc

Thứ Hai | 20/07/2009 10:48

Là quốc gia chống đỡ khá tốt cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Úc đang là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc...
 

Mặc dù Centro Properties Group, tập đoàn đa quốc gia Úc sở hữu và khai thác các cửa hàng bán lẻ tại Úc, Mỹ và New Zealand, đang ngập nợ, nhưng Li Zhang, một nhà quản lý đầu tư Trung Quốc đã đến Úc cách đây khoảng 20 năm, lại nhận thấy công ty này có nhiều tiềm năng.

Zhang, bạn bè và người thân của ông và một số công ty ở Trung Quốc cũng như tại Úc đã bỏ ra 50 triệu đô-la Úc (tương đương 39,7 triệu USD) để mua 11,8% cổ phần của Centro. Zhang cho biết, khi Centro tiếp tục đối mặt với vấn đề tái cấp vốn để thanh toán các khoản nợ, bạn bè và người thân của anh thậm chí phải tranh nhau để được “gánh” nợ cho Centro. “Chúng tôi cho rằng, đó là một vụ đầu tư rất tiềm năng, trong khi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc lại không hề thiếu tiền”, Zhang nói.

Sôi động

Từ các nhà đầu tư cá nhân cho đến các nhà đầu tư tổ chức tại châu Á, tất cả đều đang hướng về nước Úc. Đặc biệt, Trung Quốc rất có nhã hứng đối với quốc gia này. Chinalco, công ty khai thác nhôm của Trung Quốc, từng đề nghị mua lại 18% cổ phần trị giá 19,5 tỉ USD của tập đoàn khai thác mỏ Úc Rio Tinto, nhưng không thành do vấp phải sự phản đối kịch liệt của các cổ đông của Rio Tinto và giới chính trị nước Úc.


Mặc dù vụ giao dịch giữa Chinalco và Rio Tinto bất thành, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư châu Á khác vẫn đang hăng hái tham gia các vụ đấu thầu mua lại bất động sản tại Úc.

“Chúng tôi đã hoàn tất việc đấu thầu Martin Place 1, một trong những trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống hàng đầu tại Sydney”, Richard Butler, Giám đốc Điều hành cao cấp của CB Richard Ellis International Investments, thuộc công ty tư vấn và tiếp thị bất động sản CB Richard Ellis (CBRE), cho biết.

Theo CBRE, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 12% tổng số giao dịch bất động sản tại Úc trong 6 tháng đầu năm nay, tăng so với mức 9% của năm 2008. “Chúng tôi nhận thấy Úc là một thị trường an toàn, nơi nguồn lợi thu được sẽ được đảm bảo hơn vì thị trường có tính minh bạch cao. Trong khi đó, không nhà đầu tư nào lại muốn dấn thân vào các thị trường nhiều rủi ro như Singapore, vì thị trường này đang ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung”.

Sở dĩ thị trường Úc hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á vì Úc là quốc gia chống đỡ khá tốt cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tính cho đến nay đã không bị rơi vào vòng xoáy suy thoái như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Vì thế, bất động sản ở đây không rớt giá mạnh như tại các thị trường khác.

Theo tập đoàn tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, giá trị các bất động sản thương mại tại Sydney đã giảm khoảng 15% trong quý I/2009 so với cách đây 1 năm, trong khi tại các thị trường khác như Thượng Hải, Hồng Kông, Tokyo, Mumbai giảm tới hơn 30%. Giá thuê tại các dự án bất động sản thương mại đã giảm khoảng 25% tại Sydney, trong khi Singapore, Tokyo và Mumbai giảm tới 30% trong quý I/2009.

Tranh thủ thời cơ, nhiều tên tuổi lớn đã nhảy vào thị trường bất động sản Úc. Woori Investment & Securities Co (Hàn Quốc) đang tiến hành mua lại 2 cao ốc tại Úc với giá khoảng 600 triệu đô-la Úc. Công ty xây dựng nhà ở Nhật Bản Sekisui House vào tháng 5 vừa qua đã hoàn tất việc thành lập liên doanh 190 triệu đô-la Úc với công ty Úc Payce Consolidated để phát triển các dự án nhà ở tại Sydney và Brisbane.

Đối với phân khúc nhà ở, Chính phủ Úc đã nới lỏng chính sách vào cuối năm ngoái, cho phép các cư dân lưu trú tạm thời tại Úc được quyền mua nhà mà không phải thông báo với cơ quan chức năng. Điều này đã giúp thúc đẩy sức cầu trên thị trường nhà ở tại Úc.

“Đây là một động thái đáng hoan nghênh vì hiện tại rất nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc có con em đang du học tại Úc và do đó, nhu cầu mua nhà rất cao”, John Bongiorno, Giám đốc công ty môi giới bất động sản Marshall White có trụ sở đặt tại bang Victoria, cho biết.

Công ty của ông cũng đang xem xét việc mở một văn phòng tại Thượng Hải hoặc Bắc Kinh để thu hút các khách hàng giàu có tại Trung Quốc. Bongiorno cho biết: “Khách hàng Trung Quốc đang bị hấp dẫn bởi tình hình an ninh của nước Úc, các tiêu chuẩn cao về giáo dục và chất lượng cuộc sống cao tại Úc”.

Nắm bắt cơ hội

Các nhà đầu tư châu Á là người mua chủ yếu các bất động sản Úc vào cuối thập niên 1990 khi thị trường trải qua một đợt suy giảm một phần do dư thừa nguồn cung. Những nhà đầu tư này sau đó đã thu lợi lớn khi thị trường hồi phục và giá bất động sản tăng mạnh trở lại.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, lúc này là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường khi nhiều nhà đầu tư trong nước đang bị “trói tay” do tín dụng bị siết chặt.

David Green-Morgan, Giám đốc Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty DTZ (chuyên về tư vấn bất động sản), dự kiến, giao dịch bất động sản sẽ trở nên sôi nổi khi các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường. “Một số cao ốc trên thị trường lúc này là những tòa nhà có vị trí đắc địa mà chủ đầu tư không hề rao bán trong 10-15 năm nay. Vì thế, không ai muốn bỏ lỡ cơ hội”, ông nói.

TẠI SYDNEY, CÁC TÀI SẢN BẤT ĐỘNG SẢN TRỊ GIÁ KHOẢNG 750 TRIỆU ĐÔ-LA ÚC ĐANG ĐƯỢC CHÀO BÁN, TRONG ĐÓ CÓ CẢ TÒA NHÀ ĐẶT SÀN GIAO DỊCH ÚC.


Một số chuyên gia cho biết, các nhà đầu tư châu Á đang nhắm đến các vụ đầu tư dài hạn để nhận lãi đều đặn. Còn theo Morgan, Công ty DTZ, một số nhà đầu tư chỉ tìm kiếm các thương vụ đầu tư ngắn hạn. “Họ đang cố gắng tận dụng cơ hội như thập niên 1990. Họ sẵn sàng nắm giữ bất động sản trong vòng 5-8 năm và sau đó bán ra khi thị trường hồi phục trở lại”, Morgan nói.

(Theo Reuters)



Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới