Hủy
Thế giới

Cơn sóng nợ xấu có thể “nuốt chửng” ngân hàng Trung Quốc

Thiên Vân Thứ Tư | 29/04/2020 11:51

Ảnh: Bloomberg

Ngay lúc Trung Quốc vươn mình gượng dậy từ COVID-19, mọi ánh mắt đổ dồn vào lượng nợ xấu. Thực tế còn tệ hơn những gì nhà đầu tư vẫn tưởng.
 

Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo lợi nhuận quý trong tháng này, báo cáo đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 đóng sầm cánh cửa hoạt động của phần lớn thực thể trong nền kinh tế. Lượng nợ xấu tăng mạnh tại tất cả ngân hàng, nhưng tổng lượng nợ cũng tăng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) nhìn chung vẫn đi ngang. Vẫn chưa có nhiều phân tích về các loại nợ xấu, từ đó nhà đầu tư cũng có ít manh mối về tình hình thực tế trông ra sao.

Tuy nhiên, khi xem kỹ hơn về lượng nợ hiện tại, bức tranh màu xám dần lộ diện. Khoảng 1/3 lượng nợ tại các ngân hàng Trung Quốc đến từ các khoản vay cá nhân mà không có tài sản thế chấp, thẻ tín dụng, các công ty tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Những cá nhân/tổ chức này chiếm 77% lượng nợ xấu. Nhóm này cũng thường nằm trong nhóm yếu ớt trong một cuộc khủng hoảng và dường như cũng là những người mất nhiều nhất sau COVID-19.

Khi kim ngạch xuất khẩu và nhu cầu toàn cầu suy giảm, các nhà sản xuất tư nhân sẽ thấy lợi nhuận bị bay sạch. Trong 12 tháng tới, khoảng 2,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 353,1 tỉ USD) nợ xấu mới sẽ được tạo ra trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, theo CLSA. Các nhân viên và chủ doanh nghiệp sẽ bị tác động và kéo theo đó là thu nhập của hộ gia đình, từ đó làm giảm điểm tín nhiệm tiêu dùng. Bức tranh chẳng mấy tươi sáng trong thời gian tới.

Bảng cân đối về người tiêu dùng có thể hé lộ nhiều điều hơn về hiện tại. Nợ xấu từ các cá nhân của Ping An Bank – bao gồm cả khoản thế chấp – tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, theo Goldman Sachs. Khả năng trả nợ của các hộ gia đình đã giảm mạnh, trong đó lượng vay nợ tăng nhanh hơn so với thu nhập. Việc không thể thu hồi nợ từ các cá nhân sẽ là một thách thức lớn, nhưng việc giãn nợ cho hàng triệu khoản nợ có vấn đề cũng khó không kém.

Sau đó là câu hỏi làm thế nào để nhìn nhận đó là nợ xấu. Các cơ quan điều hành đã thúc giục các ngân hàng nhẹ nhàng với việc trả nợ và giãn nợ. Điều này có nghĩa là một khoản nợ sẽ được ghi nhận dưới dạng là nợ quá hạn, hoãn nợ và nợ cần chú ý trước khi được công nhận là nợ xấu.

Nếu tính luôn những khoản nợ đó, lượng nợ xấu sẽ gần với mức 2,5 nghìn tỉ nhân dân tệ hơn là 1,5 nghìn tỉ nhân dân tệ ghi nhận trong các báo cáo tài chính của 49 ngân hàng niêm yết Trung Quốc, theo ước tính của Rhodium Group. Đó là trước khi tính tới tác động của COVID-19.

Trong khi đó, các ngân hàng không niêm yết đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gần 10%.

Và như một lẽ dĩ nhiên, các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Rhodium Group ước tính rằng việc ghi nhận thêm dự phòng nợ xấu sẽ thổi bay gần 50% lợi nhuận và giảm vốn của hệ thống ngân hàng.

Và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng đổ xô huy động thêm hàng tỉ USD trong những tuần gần đây thông qua các trái phiếu vĩnh viễn và trái phiếu thuộc vốn cấp 1. Trong khi đó, áp lực lợi nhuận sẽ vẫn đè nặng lên vai của các ngân hàng.

Dự phòng mất vốn vẫn chưa tăng trưởng mấy tại hầu hết ngân hàng lớn của Trung Quốc trong quý I. Theo nguyên tắc kế toán trong năm trước, khoản dự phòng này lẽ ra nên được tính theo khoản mất vốn dự kiến trước khi nợ xấu thực sự hình thành. Vẫn chưa rõ là các ngân hàng Trung Quốc đang dự báo gì, nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Anjani Trivedi trên Bloomberg.

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới