Hủy
Thế giới

Công nghệ đang giết chết tăng trưởng thần kỳ của châu Á

Thứ Hai | 17/09/2012 13:50

Công nghệ đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, chính công nghệ cũng đe dọa đến tăng trưởng thần kỳ của châu Á.
 

Trong một nghiên cứu mới đây, chuyên gia thuộc ngân hàng UBS Thụy Sỹ, George Magnus, đã đưa ra bình luận liệu thời kỳ tăng trưởng thần kỳ của châu Á đã hết. Theo lập luận của Magnus, sự phát triển của công nghệ có thể giết chết tăng trưởng của châu Á theo 2 cách.

Thứ nhất, với công nghệ sản xuất tiên tiến, các nước phát triển như Mỹ, một số nước châu Âu và Nhật Bản dần lấy lại được vị thế khi họ có thể khai thác những nguồn năng lượng rẻ hơn cũng như những chìa khóa mang lại một nền sản xuất phát triển.

Ví dụ, Mỹ dẫn đầu về khai thác năng lượng giá rẻ từ đá phiến và các mỏ dầu cũng lại bắt đầu làm xoay chuyển kinh tế toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và hóa chất hưởng lợi từ chi phí năng lượng thấp hơn, thì chính nước Mỹ cũng hưởng lợi từ xuất khẩu năng lượng cũng như sự độc lập về năng lượng.

Theo ước tính của Cơ quan thông tin năng lượng (IEA), xuất khẩu khí đốt của Mỹ có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 và đạt thặng dư khí đốt vào năm 2025. Phát triển năng lượng giá rẻ giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại đồng thời thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này.

Cuộc cách mạng toàn cầu về công nghệ hiện đại sẽ mang lại lợi thế kinh tế cho Mỹ và các nước phương Tây.
Cuộc cách mạng toàn cầu về công nghệ hiện đại sẽ mang lại lợi thế kinh tế cho Mỹ và các nước phương Tây.

Thứ hai, theo nhà phân tích Van Agtamel, Mỹ dẫn đầu về công nghệ hiện đại, sản xuất đầu cuối, smartphone và smartpad. Tuy nhiên, liệu những sản phẩm đặc biệt đang làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người này có thể thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng cuộc cách mạng toàn cầu về công nghệ hiện đại sẽ mang lại lợi thế kinh tế cho Mỹ và các nước phương Tây khác.

Ngày nay, thậm chí ở các xã hội mà dân số đã già hóa thì ngành sản xuất cũng không cần nhiều lao động, do đó nguồn cung lao động sẽ giảm hoặc tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ làm tăng tầm quan trọng của các nhân tố như gần thị trường, các nguồn tài nguyên, trung tâm công nghệ hiện đại và giảm bớt vai trò của các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu hay quy mô sản xuất lớn, hai yếu tố đặc trưng về vai trò của Trung Quốc và châu Á trong nền kinh tế toàn cầu.

Sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với các nước phương Tây không mất đi hoàn toàn, nhưng lợi thế của quốc gia châu Á này đang mất dần đi do chi phí lao động tăng cao, sự hạn chế của chính sách đổi mới, mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ và những phàn nàn về sự phân biệt trong doanh nghiệp.

Lợi thế kinh tế của Trung Quốc đang mất dần do chi phí lao động tăng cao.
Lợi thế kinh tế của Trung Quốc đang mất dần do chi phí lao động tăng cao.

Ví dụ, năm ngoái, công ty công nghệ Đài Loan Foxconn lắp ráp cho Apple, Sony và Nokia cho biết có kế hoạch giới thiệu 1 triệu robot trong vòng 3 năm tới. Foxconn hiện đang sử dụng 1,2 triệu lao động, tuy nhiên con số này sẽ giảm mạnh nếu họ vận hành dây chuyền tự động hóa.

Tất cả những điều này chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc bắt kịp Mỹ, Nhật Bản, Đức và Đài Loan về công nghệ sản xuất mới thì cũng sẽ không có lý do gì để các công ty nước ngoài lắp ráp sản phẩm ở Trung Quốc hay vận chuyển nguyên liệu thô và linh kiện vào nước này do khoảng cách xa.

Trung Quốc ngày càng chi nhiều tiền cho nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D), và hiện tại đã trở thành nước chi tiêu cho lĩnh vực này lớn thứ 2 trên thế giới, với thị phần ước tính khoảng 13,2% vào năm 2011. Cụ thể, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc bằng một nửa 330 tỷ USD của châu Âu và gần bằng 1/3 chi tiêu cho lĩnh vực này của Mỹ.

Trung Quốc đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình đổi mới công nghệ và việc đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên, nước này vẫn tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển chính về đổi mới sản phẩm, tổ chức quản lý, sự kết hợp các thông tin mới, sinh học và công nghệ quan trọng.

Trên thực tế, số hồ sơ xin đăng ký bằng sáng chế của Trung Quốc ngày càng tăng. Theo Thomson Reuters, Trung Quốc thực sự đã là nước đứng thứ 2 thế giới về số đơn xin cấp bằng sáng chế sau Mỹ và Bắc Kinh có thể sẽ vượt qua Washington vào năm 2013. Theo văn phòng bằng sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa của Mỹ, năm 2009, Trung Quốc đăng ký 1.655 bằng sáng chế ở Mỹ trong khi con số này vào năm 1999 chỉ là 90 đơn.

Trung Quốc đang chi ngày càng nhiều tiền cho công tác nghiên cứu và phát triển.
Trung Quốc đang chi ngày càng nhiều tiền cho công tác nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, về số lượng bằng sáng chế được trích dẫn và số hồ sơ bằng sáng chế trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn tụt  hậu hơn so với Mỹ và các nước châu Âu khác. Trung Quốc chỉ có gần 6% số bằng sáng chế được công nhận trên toàn cầu, ít hơn nhiều so với 49% của Mỹ và gần 40% của Nhật Bản.

Tính trên bình quân đầu người, Trung Quốc cũng có số lượng ấn phẩm trong các tạp chí khoa học hàng đầu ít hơn so với Mỹ và châu Âu, Thomson Reuters cho biết. Cụ thể, Trung Quốc chỉ xuất bản được 0,54 ấn phẩm/người trong khi con số này ở Mỹ và châu Âu là hơn 10 ấn phẩm/người.

Theo nhà phân tích  Magnus, vấn đề nằm ở sự thiếu sót trong đổi mới về công nghệ của Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống văn hóa xã hội và tính sáng tạo, trong khi đó, các nước khác trên thế giới đều coi trọng tính độc đáo cũng như coi trọng chất lượng hơn là số lượng.

Không ai có thể kết luận rằng những vấn đề này sẽ làm chậm quá trình đổi mới và khả năng cạnh tranh công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không có sự cải cách chính trị và không có sự ra đời của các tổ chức khuyến khích sáng tạo, Trung Quốc sẽ luôn luôn tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh phương Tây khác về công nghệ.

Nguồn FT/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới