Hủy
Thế giới

Đã hết thời của các quỹ đầu cơ?

Thứ Hai | 29/02/2016 13:30

Trong 9 tháng đầu năm 2015, 785 quỹ đầu cơ mới đã được thành lập trong khi có tới 674 quỹ đóng cửa.
 

Những năm 1990, quỹ đầu cơ vẫn còn là “hàng hiếm”: chỉ có khoảng 500 quỹ đầu cơ trên toàn cầu, quản lý khoảng 40 tỉ USD chủ yếu cho các cá nhân giàu có. Khi đó, hầu như ít ai hiểu quỹ đầu cơ làm gì và họ cũng không buồn tìm hiểu. Đến cuối năm 2015, ngành quỹ đầu cơ đã bùng nổ lên tới gần 9.000 quỹ, quản lý xấp xỉ 3.000 tỉ USD. Cùng với quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, quỹ đầu cơ được xếp vào loại là một “tài sản thay thế”, hấp dẫn đối với các quỹ hưu bổng và quỹ hiến tặng. Nhưng làn sóng đóng cửa quỹ gần đây và dự kiến sẽ có ngày càng nhiều quỹ theo chân dường như báo hiệu thời đại quỹ đầu cơ tăng trưởng mạnh có thể chỉ còn là dĩ vãng.

Liệu quỹ đầu cơ đã hết thời? Thực ra, đóng cửa quỹ là chuyện bình thường trong một ngành cạnh tranh khốc liệt: mỗi năm có hàng trăm nhà quản lý quỹ tuyên bố dẹp quỹ, nhưng số quỹ thành lập mới lại nhiều hơn số quỹ bị đóng cửa. Tuy nhiên, điều đáng nói là chênh lệch giữa số quỹ đóng cửa và số quỹ mới thành lập đang rút ngắn lại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, 785 quỹ mới đã được thành lập trong khi có tới 674 quỹ đóng cửa, so với con số 814 và 661 trong cùng thời kỳ của năm 2014, theo tổ chức nghiên cứu quỹ đầu cơ Hedge Fund Research (HFR). Vào năm 2016, lần đầu tiên kể từ thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, có lẽ sẽ có nhiều quỹ đóng cửa hơn là số quỹ mới được thành lập, theo Amy Bensted, đứng đầu bộ phận các sản phẩm quỹ đầu cơ thuộc hãng cung cấp dữ liệu Preqin.

Da het thoi cua cac quy dau co?
Số quỹ đầu cơ đóng cửa trên toàn cầu đang có dấu hiệu gia tăng

Lý do chính khiến các quỹ đóng cửa là kết quả kinh doanh kém. “Đó là một ngành chỉ dựa vào kết quả tài chính. Nếu bạn làm không tốt, nhà đầu tư sẽ rút tiền, rời khỏi quỹ”, Anthony Lawler, một nhà điều hành tại công ty quản lý quỹ GAM, nhận xét.

Năm ngoái là năm tồi tệ nhất của ngành quỹ đầu cơ kể từ năm 2011. Bằng chứng là chỉ số theo dõi ngành quỹ đầu cơ HFRI Fund-weighted Composite Index đã kết thúc năm với mức giảm 1,09%. Trong quý cuối cùng của năm 2015, các nhà đầu tư đã rút 8,7 tỉ USD khỏi các quỹ đầu cơ, theo Preqin. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn giờ có ý định giảm đầu tư vào các quỹ đầu cơ thay vì bỏ tiền vào nhiều hơn.

Năm nay cũng sẽ không khá hơn. Với mức lỗ 2,8%, tháng 1 là tháng tồi tệ nhất của ngành quỹ đầu cơ kể từ tháng 9.2011, theo HFR. Biến động thị trường đã tạo ra mức thua lỗ còn tồi tệ hơn cho các quỹ đầu cơ lớn như Pershing Square, vốn đã thua lỗ 18,6% tính đến ngày 9.2.2016.

Nhiều quỹ không có cách nào khác ngoài việc đóng cửa. Điều kiện kinh tế vĩ mô khắc nghiệt, áp lực phải cắt giảm mức phí, chi phí tuân thủ luật pháp tăng lên và một số canh bạc đặt cược tồi tệ vào nợ xấu và các tài sản năng lượng... tất cả những điều này đã khiến cho việc điều hành quỹ đầu cơ hiện trở nên khó khăn hơn so với thời kỳ tốt đẹp của những năm 1990.

Với việc các nhà đầu tư đang ngày càng ngại rủi ro, tình trạng rút vốn đã trở nên phổ biến hơn. Đối với một quỹ nhỏ, chỉ cần một nhà đầu tư rút vốn, nó có thể là dấu chấm hết cho quỹ đó: 75% quỹ đầu cơ đã đóng cửa trong năm 2015 quản lý chưa tới 100 triệu USD.

Nhưng có một điều còn đáng ngạc nhiên hơn trong làn sóng đóng cửa quỹ đầu cơ gần đây. Đó là việc một số các quỹ lớn có tên tuổi như BlueCrest, Nevsky Capital và gần đây hơn là Standard Pacific và Orange Capital đã “tự nguyện” hoàn trả vốn cho nhà đầu tư bên ngoài. Điều này có vẻ khó hiểu, bởi các nhà quản lý tài sản thường thích giữ tiền. Theo giới phân tích, kết quả làm ăn kém lạc quan, hệ số xếp hạng kém và tình trạng rút vốn của nhà đầu tư là những lý do khiến nhiều quỹ đóng cửa tự nguyện.

Tỉ phú Michael Platt, đồng sáng lập BlueCrest, hồi tháng 12 năm ngoái đã thông báo với các nhà đầu tư rằng ông sẽ trả lại tiền cho họ. Ông nói rằng mô hình mức phí của ngành quỹ đầu cơ “không còn là một lĩnh vực kinh doanh sinh lời lớn”. Giám đốc Đầu tư Martin Taylor của Nevsky thì nhắc đến viễn cảnh về một thị trường giá xuống khác và sự thay đổi trong cơ cấu thị trường có nghĩa là cách tiếp cận thiên về nghiên cứu của quỹ đã ít hiệu quả hơn trước đó.

Một ông chủ ngân hàng ở London cho rằng các nhà quản lý quỹ như ông Platt chỉ là “chán ngán với các cuộc họp hằng tháng của các nhà đầu tư cứ mỗi khi tài sản giảm một vài phần trăm”. So với quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, các quỹ đầu cơ có thời hạn rút vốn hoặc bán lại chứng chỉ quỹ ngắn, nghĩa là nhà đầu tư có thể thu hồi vốn tương đối dễ dàng bất cứ khi nào họ cảm thấy bất an về nền kinh tế Trung Quốc hay giá dầu. Một số nhà quản lý đã đối phó với tâm lý “nhấp nhổm” này của nhà đầu tư bằng cách điều hành các quỹ như các công ty quản lý tài sản tư nhân.

Một lý do khác được đưa ra là vì cơn sốt bùng nổ quỹ đầu cơ diễn ra trong một thời gian rất ngắn nên nhiều trong số những nhà quản lý quỹ lớn nhất hiện nay đều cùng một thế hệ. Nhiều người trong số họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản; và với hàng triệu USD kiếm được, họ gần như không có nhu cầu phải tiếp tục duy trì quỹ. Hơn nữa, kế hoạch chuẩn bị cho người kế vị cũng không phải là một “thế mạnh” của ngành này: hầu như rất ít nhà quản lý quỹ xây dựng được những tổ chức mà có thể tồn tại sau khi họ không còn điều hành.

Trong năm 2016, dường như sẽ càng có ít quỹ mới ra đời hơn. Jonathan Miles, Giám đốc Điều hành công ty tư vấn quỹ hưu bổng Wilshire, cho rằng chi phí quản trị và chi phí liên quan đến pháp luật khiến việc mở một quỹ mới hiện khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt ở châu Âu, nơi mà cơ chế luật pháp đã trở nên cực kỳ khắt khe. Điều này cũng phần nào giải thích vì sao có nhiều quỹ châu Âu đóng cửa vào năm 2015 hơn là các quỹ Mỹ.

Với sân chơi đã ngày càng trở nên chật chội, một sự sàng lọc tự nhiên, nơi mà chỉ những kẻ mạnh nhất mới có thể tồn tại, có lẽ là điều mà ngành này đang cần, theo bà Bensted của Preqin. Liệu nhà đầu tư sẽ rót vốn trở lại vào các quỹ vẫn còn sống sót hay từ bỏ ngành này thì còn phải chờ xem. Nhưng cái ngày mà quỹ đầu cơ bành trướng mạnh mẽ dường như đã qua rồi.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới