Hủy
Thế giới

Goldman Sachs: Nước Mỹ thiệt hại 4,2% GDP do chính phủ đóng cửa

Thứ Hai | 07/10/2013 08:30

Trần nợ không được nâng lên dẫn đến chi tiêu sụt giảm và các hoạt động kinh tế ngắn hạn cũng sụt giảm nhanh chóng.
 

Chính phủ Mỹ đóng cửa là kết quả của việc Quốc hội nước này không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đối mặt với một rủi ro lớn hơn rất nhiều về mặt chính trị: nợ công sắp chạm trần, có nghĩa là Kho bạc Mỹ không còn khả năng đi vay tiền bằng cách phát hành nợ.

Các nhà kinh tế học cũng như các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng không thể nâng trần nợ và nước Mỹ vỡ nợ sẽ là những sự kiện có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều đối với nền kinh tế. Tầm ảnh hưởng lớn đến nỗi hầu hết mọi người đều tự tin cho rằng chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ có thể thông qua việc nâng trần nợ trước ngày 17/10.

Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, nếu xét theo những gì Quốc hội Mỹ đã làm trong tuần vừa qua, khả năng trần nợ không được nâng lên vẫn có thể xảy ra. Các chuyên gia kinh tế Alec Phillips và Kris Dawsey của Goldman Sachs đưa ra ước tính liệu kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu Mỹ không nâng trần nợ.

Trong báo cáo được gửi đến khách hàng tối 5/10, Phillips và Dawsey nhận định: “Nếu trần nợ không được nâng lên trước khi Kho bạc Mỹ cạn kiệt tiền mặt, Kho bạc có thể buộc phải nhanh chóng lấp đầy thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu để không chạm trần nợ. Lượng tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách có thể tương đương với 4,2% GDP (quy đổi theo năm). Khi đó, hiệu ứng lên tốc độ tăng trưởng theo quý thậm chí còn lớn hơn. Nếu điều này xảy ra, hoạt động kinh tế sẽ sụt giảm với tốc độ rất nhanh nếu tình thế không được đảo ngược ngay lập tức”.

Nói một cách rõ hơn, trần nợ không được nâng lên dẫn đến chi tiêu sụt giảm và các hoạt động kinh tế ngắn hạn cũng sụt giảm nhanh chóng. Quốc hội hành động chậm chỉ một vài ngày cũng khiến một vài nghĩa vụ không được hoàn thành và tạo nên sự bất ổn trên thị trường tài chính. Sự thiếu chắc chắn sẽ là gánh nặng đối với tăng trưởng.

Trong trường hợp sự chậm trễ lên tới vài tuần, chính phủ phải đóng cửa trên quy mô lớn hơn nhiều so với trạng thái hiện nay. Trong đợt đóng cửa bắt đầu từ hôm 1/10, vẫn có tiền mặt để chính phủ duy trì một số hoạt động. Tuy nhiên, các chương trình được cho là “không cần thiết” đã bị cắt bỏ (các chương trình này chiếm khoảng 15% ngân sách liên bang). Nếu không nâng trần nợ, đến cuối tháng 10, mặc dù chính phủ vẫn có quyền hạn để thực hiện các khoản thanh toán đến hạn, nước Mỹ không còn đủ tiền để làm điều này.

Theo ước tính của Phillips và Dawsey, Kho bạc Mỹ sẽ nhận được số tiền chỉ tương đương với 65% số tiền cần chi trả. Do đó, Mỹ cần mạnh tay cắt giảm chi tiêu ngân sách với lượng cắt giảm lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.

Để nợ không chạm trần thêm 1 tháng nữa mà không cần nâng trần nợ, nước Mỹ phải thiệt hại 1,7% GDP (quy đổi theo năm). Tuy nhiên, nếu Kho bạc Mỹ quyết định bỏ việc trả lãi qua một bên và thanh toán các khoản khất nợ, con số thiệt hại là 4,2% GDP. Trong cả hai trường hợp này, con số thiệt hại đối với GDP theo quý lớn hơn rất nhiều.

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới