Hủy
Thế giới

Hàng hiệu lao đao vì biến động tỷ giá

Thứ Tư | 27/05/2015 09:11

Giá trị của 10 thương hiệu lớn nhất thế giới giảm 6% hay giảm hơn 7 tỷ USD xuống 105 tỷ USD.
 

Biến động tỷ giá cùng với việc doanh số tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga chậm lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các thương hiệu lớn như Prada hay Cartier, theo khảo sát BrandZ 2015 của công ty Millward Brown.

Trong đó, giá trị của Cartier giảm mạnh nhất, giảm tới 15% xuống 7,6 tỷ USD, trong khi của Prada giảm 35% xuống 6,5 tỷ USD. Giá trị của Hermes giảm 13% xuống 18,9 tỷ USD, Gucci giảm 14% xuống 13,8 tỷ USD, Rolex giảm 6% xuống 8,5%.

Chỉ có Louis Vuitton và Chanel có thể tăng giá trị thương hiệu trong năm vừa qua. Theo đó, giá trị thương hiệu của LV tăng 6% lên 27,4 tỷ USD, đưa Moet Hennessy Louis Vuitton trở thành thương hiệu tiêu dùng lớn nhất thế giới năm thứ 10 liên tiếp. Giá trị của Chanel tăng 15% lên 9 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 4, sau Hermes và Gucci.

Hoạt động kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ giảm mạnh khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, trong khi khách hàng Nga cũng “thắt lưng buộc bụng” khi rúp mất giá và bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Ngược lại, điều này tạo cơ hội cho các hãng tiêu dùng giá rẻ hơn như Michael Kors và Tiffany.

Sở dĩ hoạt động kinh doanh của Chanel và LV khả quan hơn so với các thương hiệu xa xỉ khác là bởi họ đã áp dụng chính sách giảm giá ở nhiều thị trường để kích thích tiêu dùng.

Tuy vậy, biến động tỷ giá cũng đang là vấn đề nhức nhối với họ. Chênh lệch giá bán túi xách, đồng hồ đeo tay, trang sức giữa thị trường châu Âu và Trung Quốc hiện đang lớn nhất 3 năm trở lại trong bối cảnh euro mất giá ảnh hưởng đến chiến lược giá của các thương hiệu.

Biến động tỷ giá có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 39% chi phí cho các món hàng hiệu nếu họ bay tới Paris để mua thay vì mua trong nước. Con số này năm ngoái chỉ ở 26%.

Sự chênh lệch giá niêm yết quá lớn cũng khiến các hãng chật vật với nạn “hàng chợ đen”.

Tính đến cuối tháng 3 năm nay, giá túi xách ở Pháp rẻ hơn 45% so với ở Trung Quốc, giá đồng hồ rẻ hơn 33%. Trong tháng 3, euro xuống thấp nhất 12 năm so với USD do chương trình nới lỏng tiền tệ trị giá 1,1 nghìn tỷ euro của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Phương Linh
Theo Bloomberg, FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới