Hủy
Thế giới

Học thuyết Keynes và con đường tăng trưởng của kinh tế thế giới

Thứ Tư | 19/12/2012 15:06

Theo Jeffrey Sachs, giám đốc Viện nghiên cứu Earth, đại học Columbia, các nền kinh tế cần đến 1 con đường tăng trưởng khác với những gì Keynes đã đề cập.
 

Theo nhà kinh tế học John Maynard Keynes, sự giảm sút tổng cầu chính là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và do đó kích thích kinh tế là 1 giải pháp hiệu quả. Suốt 30 năm trong thời kỳ từ giữa những năm 1970 đến 2008, việc điều chỉnh lượng cầu theo học thuyết kinh tế này dường như đã bị lãng quên. Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, những lý thuyết cũng như giải pháp mà Keynes đưa ra 1 lần nữa lại được vận dụng triệt để trong lối suy nghĩ của chính quyền Obama cũng như ở nhiều nền kinh tế lớn khác.

Được dẫn dắt bởi những nhân vật như Lawrence Summers - cựu bộ trưởng tài chính Mỹ, nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Krugman và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke, thời kỳ phục hưng của lý thuyết Keynes đã đến cùng với niềm tin cho rằng việc mở rộng chính sách tiền tệ và tài khóa trong ngắn hạn là cần thiết để có thể bù đắp sự sụp đổ trên thị trường nhà đất.

w

Nước Mỹ đã chọn lựa tuân theo chính sách tiền tệ và tài khóa đúng như gợi ý của Keynes. Ngân sách bị đảo ngược so với 4 năm trước đó với thâm hụt ngân sách lớn (khoảng 7% GDP) và duy trì lãi suất gần 0 trong thời gian dài. Kể từ năm 2010, không có nước châu Âu nào làm theo Fed. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Anh (BoE) trong thời gian gần đây đang tỏ ra không hề thua kém Fed trên mặt trận tiền tệ khi liên tục cắt giảm lãi suất.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác các chính sách này sẽ thành công đến đâu bởi không có các bằng chứng thực tế. Ngược lại, tình hình hiện nay thậm chí còn đem lại những hoài nghi. Thị trường lao động không phục hồi như hứa hẹn, tăng trưởng vẫn ì ạch và tỷ lệ nợ/GDP của nước Mỹ đã tăng gấp đôi (từ 36% lên 72% cho năm 2012).

Những người tuân theo trường phái kinh tế học Keynes thường cho rằng các biện pháp thắt chặt tài khóa là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng ở Nam Âu. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại nằm ở cuộc khủng hoảng ngân hàng chưa có biện pháp giải quyết. Trong khi đó, nền kinh tế Anh giảm tốc cũng có nguyên nhân là ảnh hưởng từ khủng hoảng eurozone, lượng dầu mỏ ở biển Bắc suy giảm cũng như khu vực ngân hàng suy yếu, chứ không phải là hậu quả của nhiều năm cố gắng hướng tới ngân sách cân bằng.

Có 3 lý do khác khiến người ta nghi ngờ về hiệu quả học thuyết Keynes trong bối cảnh ngày nay. Thứ nhất, thông thường, mở rộng tài khóa sẽ được triển khai dưới dạng cắt giảm thuế. Như vậy, đó là chính sách thúc đẩy tiết kiệm chứ không phải chi tiêu.

Thứ hai, chính sách giữ lãi suất ở mức gần 0 ẩn chứa 1 nguy cơ mà Fed không hề nhận thấy: 1 bong bóng khác. Fed đã không nhận ra rằng chính sách nới lỏng trong 6 năm trước đó cũng là một phần nguyên nhân gây nên bong bóng năm 2008. Nhà kinh tế học nổi tiếng Friedrich Hayek (1899 – 1992) đã tiên đoán trước được điều này khi cho rằng thanh khoản dư thừa có thể khiến đầu tư bị chệch hướng và kết quả cuối cùng là bong bóng vỡ tung.

gh
Thứ ba, thử thách thực sự đối với các nền kinh tế không phải là suy thoái như những gì trường phái Keynes lập luận. Thách thức lớn nhất nằm ở sự thay đổi sâu sắc về cấu trúc. Những người theo trường phái kinh tế học này đã thuyết phục Washington rằng nước Mỹ chỉ có 2 lựa chọn: kích thích hoặc đổ vỡ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Trong giai đoạn cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái rất lớn. Tuy nhiên, cuối cùng thì điều đó đã không xảy ra sau vụ phá sản đình đám của Lehman Brothers.

Cho dù có hay không có các gói kích thích, kinh tế Mỹ cũng không thể quay trở lại với trạng thái trước khủng hoảng. Mô hình kinh tế học của Keynes cho rằng chặng đường tăng trưởng bền vững bị ảnh hưởng bởi những cú sốc nhất thời. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ con đường tăng trưởng của thời kỳ này hoàn toàn khác biệt so với trong quá khứ.

Thị trường lao động của nước Mỹ đã không hồi phục như người ta mong đợi. Trên thực tế, hầu hết các nền kinh tế có thu nhập cao vẫn loại bỏ các công việc có tay nghề thấp để có thể tự động hóa hoặc thực hiện thuê ngoài lao động. Ngày nay, các lao động chỉ đạt đến trình độ tốt nghiệp phổ thông rất khó tìm được việc.

Đầu tư cơ sở hạ tầng lại là 1 ví dụ khác. Hàng nghìn tỷ USD đầu tư công và đầu tư tư nhân đang bị lãng phí vì thiếu chiến lược. Nước Mỹ cần chiến lược có tầm nhìn từ 10 đến 20 năm, có sự kết hợp giữa đầu tư tư nhân và đầu tư công, giữa chính phủ liên bang và chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay, không thể áp dụng những lý thuyết chung chung cho nền kinh tế. Giống như những gì Friedrich Hayek đã nói, mô hình tăng trưởng phải dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Nguồn Cafef


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới