Hủy
Thế giới

Khi Fed và Trung Quốc không còn là cột chống đỡ cho kinh tế toàn cầu

Thứ Hai | 24/06/2013 16:16

Nhiều người lo ngại, liệu động thái ngừng kích thích tiền tệ từ Mỹ và Trung Quốc có làm thương tổn nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu hay không.
 

Trải qua những tháng ngày đen tối của khủng hoảng tài chính và kinh tế tăng trưởng chậm, nhà đầu tư chỉ có thể dựa vào hai cột chống đỡ Ben Bernanke và Bắc Kinh. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Trung Quốc bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng bằng nhiều cách, trong khi những cột chống đỡ khác của thế giới đều không còn đáng tin cậy.

Việc này giúp giải thích nguyên nhân cho biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, khi cả hai trụ cột này đều phát tín hiệu sẽ ngừng kích thích kinh tế.

Phát biểu sau cuộc họp hai ngày diễn ra đầu tuần qua, chủ tịch Fed Ben Bernanke tuyên bố có thể giảm gói mua trái phiếu chính phủ trị giá 85 tỷ USD/tháng trong năm nay và ngừng hẳn vào giữa năm tới.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) từ chối bơm tiền cho hệ thống ngân hàng để giải quyết tình trạng khan hiếm tiền mặt.

Trong một tuyên bố ngày 17/6 vừa qua và vừa được đưa lên trang web hôm nay, PBOC nhấn mạnh: “Hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn ở mức hợp lý, tuy nhiên do nhiều yếu tố đang biến đổi trên thị trường tài chính và do là thời điểm giữa năm nên yêu cầu quản lý thanh khoản đối với các ngân hàng thương mại cao hơn”.

Động thái này có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng tiền mặt trên hệ thống ngân hàng và có thể làm trầm trọng hơn nữa đà suy giảm kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng
Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng

Nhiều người hiện nay đang lo ngại, liệu động thái trên từ hai trụ cột có làm thương tổn nền kinh tế toàn cầu đến mức phá hủy niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, và dẫn đến sự suy giảm mạnh trong chi tiêu, lợi nhuận tập đoàn và tăng trưởng việc làm hay không.

Rủi ro tính toán sai

Tại Trung Quốc, lãi suất vay ngắn hạn lên cao kỷ lục giúp kìm hãm hoạt động của “ngân hàng trong bóng tối”. Tuy nhiên, rủi ro của việc tính toán sai có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện, ngay cả khi nền kinh tế đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

“Việc đó sẽ tạo ra rủi ro trả nợ giữa các tổ chức tài chính trong hệ thống và gây ra hậu quả không lường trước được”, theo Charlene Chu, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings.

Đây cũng là điều mà của James Bullard, chủ tịch Fed chi nhánh tại St. Louis đang quan ngại. Ông cho rằng Fed có thể đã tính toán sai và ông Bernanke thì đưa ra tuyên bố quá sớm về việc giảm nới lỏng tiền tệ.
Chủ tịch Fed Ben Bernanke
Ông Bullard không đồng tình với quyết định trên, ông muốn “một sự tiếp cận thận trọng hơn”, cho rằng cần phải chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi của lạm phát Mỹ.

Trong khi ông Bernanke đã làm rõ rằng, mọi hành động của Fed sẽ phụ thuộc vào việc liệu nền kinh tế Mỹ có tiếp tục đà phục hồi hay không. Ông đưa ra dự báo của mình dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đủ để đưa tỷ lệ thất nghiệp Mỹ từ 7,6% như hiện nay xuống sát 7% trong vòng 1 năm.

Dù nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho việc ngân hàng trung ương xem xét giảm kích thích tiền tệ, tuyên bố chi tiết như vậy vẫn khiến họ ngạc nhiên.

Vấn đề ở chỗ, không có nhiều tiền lệ cho việc bình thường hóa một nền kinh tế, sau khi nó được hỗ trợ một thời gian dài bằng lãi suất thấp và bơm tiền qua việc mua trái phiếu.

Việc này có nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng thị trường tài chính vài tháng tới khi nhà đầu tư rút về trong lo sợ. Lãi suất tăng và chứng khoán giảm sẽ bắt đầu tác động đến nền kinh tế thực khi cá nhân và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.

Nó cũng có thể làm chững lại tăng trưởng thị trường nhà đất, giảm kỳ vọng về doanh số bán lẻ cũng như vốn đầu tư, nhanh chóng dẫn đến giảm doanh thu tập đoàn và số nhân công thuê mới.

Về thị trường nhà đất và nền kinh tế, ông Bernanke tuần trước cũng cho biết, mọi người “kỳ vọng giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng”, đồng thời nhấn mạnh rằng, khi lãi suất tăng do lạc quan vào nền kinh tế, đó là “một điều tích cực”. Và với nhiều người, lời nói của Bernanke vẫn giữ nguyên độ tin cậy.

Quan điểm của nhà đầu tư chia tách làm hai khi tranh cãi về việc liệu Fed có thể tăng lãi suất mà không làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế hay không. Theo khảo sát của Wells Fargo/Gallup Investor and Retirement Optimism Index đưa ra thứ Năm tuần trước, 46% nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ thành công, trong khi 43% dự báo nền kinh tế sẽ phải trải qua tổn hại nghiêm trọng từ việc thay đổi chính sách.

Bên cạnh đó, lo ngại về sự ổn định của hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng là một tâm điểm khác trong tuần qua.

PBOC đã để cho lãi suất ngắn hạn vọt lên mức cao chưa từng có, trong đó chi phí vay qua đêm lên tới 25% đối với một số tổ chức, khi PBOC từ chối bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng.

Sự hoảng loạn lan rộng hơn cuối tuần trước, khi có tin đồn rằng hai ngân hàng lớn của Trung Quốc đã phải nhận tiền cứu trợ khẩn cấp từ PBOC lưu thông trên thị trường tài chính London và New York vào thứ Năm. Sau đó, hai ngân hàng này đã phủ nhận thông tin trên và làm dịu được phần nào thị trường.

Tâm lý tiêu cực được phản ánh trên trang nhất tuần báo tài chính Barron cuối tuần qua, với tiêu đề “Nguy cơ khủng hoảng tín dụng Trung Quốc”, và nhấn mạnh hoạt động vay tiền một cách “liều lĩnh” của các công ty Trung Quốc và chính quyền địa phương.

Dòng tiền thu từ Trung Quốc những năm gần đây đang ngày càng có tầm quan trọng đối với nhiều công ty lớn của Mỹ và châu Âu, vì thế cú vấp ngã của Trung Quốc có thể gây ra hậu quả to lớn hơn.

Nguồn Dân Việt/Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới