Hủy
Thế giới

Kinh tế Trung Quốc chưa hết thời tăng trưởng thần kỳ

Chủ Nhật | 09/09/2012 13:18

Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng trong 2 thập kỷ tới và đến 2030 kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn 2 lần so với quy mô kinh tế Mỹ.
 

s

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 9,2%, giảm so với 10,4% năm 2010. Quý II/2012, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm, còn 7,6%, làm xuất hiện ý kiến về sự cáo chung của sự thần kỳ Trung Quốc. Thành tích xóa đói giảm nghèo thành công nhất và với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người sẽ dừng lại ? Thế kỷ châu Á sẽ bị trì hoãn, và Mỹ sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về một tương lai có thể dự đoán được?

Đừng đánh cược về điều đó. Vẫn có những lý do đủ mạnh để tin rằng Trung Quốc vẫn sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 thập niên tới. Thậm chí nếu tốc độ tăng trưởng của nước này giảm 2-3%/năm, thì nước này vẫn sẽ nhanh chóng trở nên giàu có.

Hơn 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đạt trên 8%/năm. Liệu nước này có duy trì được tốc độ này trong 1-2 thập niên tới? Đầu những năm 1990, một nhóm các nhà kinh tế học gồm Bill Easterly, Michael Kremer, Lant Pritchett và Larry Summers đã có bài viết về các động lực của tăng trưởng dài hạn.

Bài viết này chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong 1 thập kỷ rõ ràng không phải là yếu tố bảo đảm cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tiếp theo. Thực tế, gần như không có mối liên hệ nào giữa tốc độ tăng trưởng giữa các thời kỳ khác nhau. Những gì đạt được trong quá khứ không đảm bảo cho thành công trong tương lai.

Bài viết kết luận rằng trên thực tế “tăng trưởng thần kỳ” phần lớn là yếu tố may mắn. Tất nhiên, kinh tế một vài nước may mắn liên tục mở rộng từ thập niên này sang thập niên khác - đáng kể nhất là các nền kinh tế thần kỳ Đông Á như Hong Kong. Đến nay, Trung Quốc lục địa đang làm theo các nền kinh tế thần kỳ này.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có duy trì được tốc độ tăng trưởng thần kỳ hay không. Ngành công nghiệp của Trung Quốc hiện chỉ đang hoạt động 2/3 công suất thiết kế, lượng hàng tồn kho tăng mạnh, và nhiều chỉ số khác như sản lượng điện đều cho thấy kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Những năm qua tín dụng tăng mạnh trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm có thể là dấu hiệu cho thấy tỷ suất sinh lợi từ đầu tư thấp hơn và là bằng chứng về bong bóng bất động sản tại một số thành phố của Trung Quốc.

Nhiều người lo ngại rằng các khoản nợ xấu của các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đang ngày một tăng, đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện. Các quan chức Nhật Bản cảnh báo rằng các ngân hàng Trung Quốc có thể đang tạo điều kiện cho các công ty “sống dở chết dở” bằng việc cấp vốn cho các công ty này bất chấp lợi nhuận cao hay thấp dưới áp lực chính trị.

s
Raghuran Rajan, cựu cố vấn kinh tế tại IMF và hiện là cố vấn trưởng kinh tế của Ấn Độ, cho rằng, trong dài hạn, Trung Quốc cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, có nghĩa là kích cầu nội địa. Đổi lại, hành động này có nghĩa là làm giảm tỷ lệ gửi tiết kiệm từ mức hiện tại khoảng 1/2 GDP và thả nổi đồng nhân dân tệ và nới lỏng chính sách kiềm chế tỷ giá hối đoái ở mức thấp như hiện nay.

Hồi đầu năm nay, Zhu Min, phó giám đốc IMF, thậm chí còn cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại sẽ có ích cho Trung Quốc vì giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để chuyển đổi sang mô hình mới.
Nhưng thậm chí nếu không có các cuộc cải cách cấu trúc sâu rộng, thì kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Nhà sử học kinh tế đạt giải Nobel, Robert Fogel, cho rằng chắc chắn Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 8% cho đến năm 2030. Bất chấp dân số đang già hóa, lực lượng lao động của Trung Quốc vẫn rất lớn, và ngày càng nhiều người lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng suất cao hơn – từ bỏ nghề nông và tham gia vào ngành sản xuất chế tạo và dịch vụ. Chỉ riêng 2 yếu tố này đã đóng góp đến 30% cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2010, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã dự đoán rằng Trung Quốc có thể tăng trưởng trung bình 5,5% trong 2 thập niên tới đến năm 2030, và nếu nước này cải thiện hệ thống giáo dục, hoạt động nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ, tốc độ này có thể tăng lên 6%.

Trong cuốn Eclipse, Arvind Subramanian, nhà kinh tế học từng làm tại IMF, chỉ rõ rằng nếu tăng trưởng thu nhập của Trung Quốc ở mức 5,5%, điều này có nghĩa là thu nhập theo đầu người của nước này sẽ đạt khoảng 33.000 USD vào năm 2030 – tăng so với mức 11.000 USD trong năm 2010 và tương đương với mức hiện tại của Liên minh châu Âu. Điều này có nghĩa rằng vào năm 2030 nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn 2 lần so với quy mô của nền kinh tế Mỹ.

Nguồn WSJ/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới