Hủy
Thế giới

Lãi lớn từ dịch vụ làm Visa

Thứ Tư | 20/01/2016 09:31

Nhu cầu visa tăng chưa từng thấy khi số người muốn ra nước ngoài tăng mạnh.
 

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ và tốc độ toàn cầu hóa nhanh đã dẫn đến sự tăng mạnh ở số người muốn ra nước ngoài với mục đích du lịch hoặc công tác. Kết quả là nhu cầu visa cũng tăng chưa từng thấy. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9.2014, Mỹ đã cấp xấp xỉ 10 triệu visa, tăng từ mức khoảng 6 triệu vào năm 1997, mặc cho giai đoạn chững lại từ sau sự kiện khủng bố ngày 11.9.2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Các công dân của Mỹ, Anh và một số nước giàu có khác có thể đi đến hầu hết các nơi trên thế giới mà không cần visa. Nhưng công dân của một số nước có nhiều biến động như Iraq và Afghanistan thì trải qua nhiều thủ tục để được cấp visa.

Trên thực tế, thủ tục cấp visa không hề dễ dàng. 26 nước châu Âu ký kết hiệp ước về đi lại tự do Schengen yêu cầu các du khách từ Ấn Độ và các nước đang phát triển khác phải cung cấp các thông tin sao kê tài khoản ngân hàng và bảng lương của nhiều tháng. Những ai đi sang Anh thường phải điền một mẫu đơn dài 10 trang, trong đó có ghi rõ chi tiết về mỗi chuyến ra nước ngoài trong vòng 10 năm qua. Những người đi công tác sang Ấn Độ phải có 2 giấy giới thiệu để đảm bảo độ đáng tin cậy... Đáng chú ý là năm 2016, Mỹ bắt đầu yêu cầu visa đối với một số người nếu họ đã đi sang Iran, Iraq, Syria hoặc Sudan trong 5 năm trước đó, trong khi trước đây không có yêu cầu như thế đối với những người này. 

Trong nhiều trường hợp, thay vì đơn giản hóa quy trình cấp visa, chính phủ các nước lại chuyển công việc xử lý các hồ sơ xin cấp visa sang cho các công ty dịch vụ tư nhân. Người muốn xin cấp visa có thể phải trả một khoản phí dịch vụ cho các công ty này ngoài mức phí visa cố định phải trả. Công ty lớn nhất trong ngành cấp visa đang tăng trưởng này là VFS Global, thuộc Kuoni, một công ty du lịch Thụy Sĩ. Từ chỗ chỉ có một cơ sở ở Mumbai, Ấn Độ vào năm 2001 (khi ấy chỉ chuyên xử lý hồ sơ xin visa sang Mỹ), VFS hiện có hơn 1.900 trung tâm visa ở 124 quốc gia, chuyên xử lý giấy tờ cho 48 chính phủ các nước.

Trong số 113 triệu hồ sơ cấp visa được thực hiện trên toàn thế giới năm 2013, 1/3 là thông qua một công ty dịch vụ, theo tính toán của VFS. VFS hiện chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường cấp visa. Đối thủ chính của VFS là CSC, với gần 10% thị phần và TLScontact với gần 7% thị phần. Hàng chục các công ty nhỏ hơn chiếm phần còn lại. Các công ty tư nhân thu thập và thẩm định giấy tờ của người nộp đơn, đảm bảo rằng các mẫu đơn được điền đúng, lấy dấu vân tay và các thông tin sinh trắc học khác và thu phí. Nhân viên lãnh sự của quốc gia điểm đến đơn giản chỉ là quyết định cấp visa hay không và đóng dấu vào hộ chiếu của những người nộp đơn hội đủ tiêu chuẩn. 

Đối với các công ty dịch vụ visa, đây là một lĩnh vực kinh doanh khấm khá. VFS có lẽ tận hưởng biên lợi nhuận hoạt động tới 20%, theo tính toán của Kathleen Gailliot, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Pháp Natixis. Các công ty được tự do thu lợi từ các dịch vụ “cao cấp” đắt đỏ. Tại Mumbai, chẳng hạn, VFS gửi cho những công dân Ấn Độ nộp đơn xin visa đi Anh một tin nhắn trên điện thoại di động của họ để báo rằng hộ chiếu của họ đã được xử lý xong và họ có thể đi nhận, với giá 128 rupee (2 USD) một lần gửi. Với khoản phí thêm 2.548 rupee, người nộp đơn có thể sử dụng một khu vực “phòng chờ” đặc biệt trong khi nộp đơn và hộ chiếu sẽ được gửi về cho họ.

Lai lon tu dich vu lam Visa
Visa mà Mỹ cấp cho công dân của các nước Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác

VFS chiếm chỉ 5% doanh thu của Kuoni nhưng lại chiếm đến hơn 60% lợi nhuận hoạt động. Triển vọng của bộ phận cấp visa xán lạn đến nỗi công ty mẹ đang rút khỏi mảng tổ chức tour mà nó đã tham gia kể từ năm 1906 để tập trung vào mảng xử lý đơn visa và một số dịch vụ lữ hành chuyên biệt khác.

Mãi cho đến khi VFS mở văn phòng Mumbai, người nộp hồ sơ xin visa đã phải xếp hàng trung bình 5 tiếng đồng hồ trong cái nắng như thiêu đốt ở bên ngoài tòa lãnh sự Mỹ. Sau khi công việc xử lý hồ sơ xin cấp visa được chuyển giao cho công ty dịch vụ này, thời gian chờ đã giảm xuống còn 1 giờ đồng hồ. Dù không còn mệt mỏi chờ xin visa như trước nhưng những người nộp đơn cũng không có nhiều lựa chọn trong dịch vụ được cung cấp. Nghĩa là dù có “bực bội” thế nào với công ty dịch vụ, họ cũng phải làm theo bất cứ yêu cầu gì mà công ty đưa ra, nếu muốn hồ sơ được xử lý nhanh chóng. 

Rõ ràng, các công ty xử lý hồ sơ xin visa hưởng lợi từ việc người nộp đơn thiếu sự lựa chọn cũng như từ sự khắt khe của chính phủ nhiều nước trong các thủ tục cấp visa. Rất ít bằng chứng cho thấy việc bắt tất cả những người nộp đơn phải nộp đủ giấy tờ cho mỗi lần họ ra nước ngoài hoặc cung cấp các chi tiết tài chính rõ ràng sẽ bảo vệ được đất nước khỏi nạn khủng bố hoặc nạn nhập cư bất hợp pháp. Ngược lại, có những bằng chứng cho thấy thiếu một cơ chế cấp visa tự do hơn đang gây ra một số thiệt hại cho nền kinh tế. Một báo cáo năm 2014 của Nghị viện châu Âu có tên “A Smarter Visa Policy for Economic Growth” (tạm dịch: Một chính sách visa thông minh hơn vì sự phát triển kinh tế) ước tính rằng các quy định visa quá ngặt nghèo có lẽ đã khiến cho nền kinh tế Liên minh châu Âu thất thoát 250.000 việc làm và 12,6 tỉ euro (13,8 tỉ USD) mỗi năm. Nghị viện châu Âu đề nghị các thủ tục ít hơn đối với những người nộp đơn xin visa, cấp thời hạn visa lâu hơn và đơn giản hóa toàn bộ quy trình cấp visa.

Giữa những mối lo ngại về làn sóng người tị nạn từ Syria và các nơi khác, chính phủ các nước ở châu Âu và những nước khác vẫn tiếp tục đối mặt với một sự thật “tréo ngoe”:  “gây khó dễ” cho khách du lịch và người đi công tác trong việc xin cấp visa, trong khi các phòng ban khác của chính phủ đó lại chi rất nhiều vào các chương trình xúc tiến du lịch và đầu tư nước ngoài.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới