Hủy
Thế giới

Làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc: Tiền mặt là trên hết

Chủ Nhật | 12/05/2013 15:12

Dù là nền kinh tế phát triển nhanh chóng, song ở Trung Quốc, mọi thứ vẫn được giao dịch theo hình thức truyền thống, đó là sử dụng tiền mặt.
 

Tại một đại lý xe hơi ở Trung Quốc những ngày cuối tháng 12, ông Lu Lin - một nhân viên làm việc tại đây - được tận mắt chứng kiến một doanh nhân Trung Quốc vào hỏi mua một chiếc BMW series 5 Grand Turismo và thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt.

"Ông ấy đi vào đây cùng 2 người bạn. Một trong số họ mang theo một chiếc túi trắng lớn chứa khoảng 60.000 USD, trong khi người còn lại mang theo một balo khác với một nửa số tiền còn lại bên trong", ông Liu nhớ lại.

Với nhiều người phương Tây, việc mang tới 130.000 USD tiền mặt vào cửa hàng để mua đồ là một điều khá kỳ lạ, nhưng nó chính xác lại là điều khá phổ biến ở Trung Quốc, nơi các loại hóa đơn, từ khách sạn, trang sức, thậm chí hóa đơn trả tiền giảng bài cho các học giả, đều được thanh toán bằng những tập tiền nhân dân tệ dày cộp.

Ở Trung Quốc, người ta quá quen với cảnh một ai đó mang hàng núi tiền mặt đi để mua nhà. Ở các thành phố lớn, các công ty lớn thậm chí còn thuê hàng đoàn xe bọc thép để chở tiền mặt thanh toán lương cho người lao động.

Dù là một quốc gia xếp vào hàng tân tiến thế giới - có cả đường cao tốc loại mới, mạng lưới đường sắt cao tốc và các tòa nhà chọc trời - song người dân Trung Quốc vẫn thích thanh toán theo lề lối cũ, đó là trả bằng tiền mặt.

Theo nhiều chuyên gia, đây không phải là dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc không muốn tiếp cận hoặc chối bỏ các hình thức thanh toán của thế giới hiện đại, mà đơn giản vì một nguyên nhân khác.

không in tiền mệnh giá lớn hơn là cách hữu hiệu để chống tham nhũng ở Trung Quốc
Không in tiền mệnh giá lớn hơn là cách hữu hiệu để chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc đồng nghĩa bạn phải có hàng núi tiền mặt bởi chính phủ Trung Quốc không cho phép in các hối phiếu có mệnh giá lớn hơn 100 nhân dân tệ (tương đương với 16 USD). Kể từ năm 1988, đồng 100 nhân dân tệ là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất được lưu thông, dù kinh tế Trung Quốc đã phát triển gấp 50 lần so với trước kia.

Nguyên nhân là do các nhà kinh tế và quan chức chính phủ Trung Quốc cho rằng in tiền mệnh giá lớn hơn có thể là cội nguồn dẫn tới lạm phát. Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác.

Nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại viện Peterson, ông Nicholas R. Lardy, cho biết: "Tôi tin chắc rằng không in tiền mệnh giá lớn hơn là cách hữu hiệu để chống tham nhũng ở Trung Quốc". Ông Lardy cho rằng nếu in tiền mệnh giá lớn, những kẻ tham quan dễ dàng cho chúng vào phong bì để đưa hối lộ, nhưng với đồng 100 nhân dân tệ, muốn hối lộ lớn phải cần rất nhiều tiền mặt, do đó hành vi tham nhũng sẽ khó mà che giấu được. Chưa kể, nếu in tiền mệnh giá lớn, nguy cơ bị bay hơi tiền ra nước ngoài là rất cao.

Tuy nhiên, cũng chính vì đồng tiền mệnh giá quá nhỏ, để phục vụ đủ nhu cầu mua sắm và tích trữ, chính phủ Trung Quốc phải cho in rất nhiều tiền giấy. Theo báo cáo của Tổng công ty in và đúc tiền Trung Quốc, lượng tiền giấy của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng tiền giấy toàn cầu. Nếu so sánh tương quan kích thước nền kinh tế, lượng tiền mặt lưu thông ở Trung Quốc cao gấp 5 lần so với Mỹ.

Để in được tất cả số tiền đó cũng là một nỗ lực cực lớn. Tổng công ty in và đúc tiền Trung Quốc phải huy động 80 dây chuyền sản xuất, 30.000 lao động, 6 công ty giấy bạc, 2 nhà máy giấy, 1 nhà máy in và một công ty chuyên làm các dấu hiệu an ninh đặc biệt để in lên các tờ tiền.

Tại Mỹ, đồng tiền có mệnh giá cao nhất là 100 USD. Ở Nhật Bản, đồng 10.000 yên (tương đương 100 USD) có mệnh giá lớn nhất, còn ở châu Âu, đồng tiền lớn nhất là 500 euro (tương đương 650 USD). Nếu so sánh, có thể thấy không một nền kinh tế lớn nào tự hạn chế bằng đồng tiền mệnh giá thấp như ở Trung Quốc.

Bằng cách giới hạn đồng 100 nhân dân tệ là đồng tiền lớn nhất, người dân Trung Quốc buộc phải cần nhiều tiền mặt hơn để mua các sản phẩm như tivi, đồng hồ Thụy Sĩ, chưa kể xe hơi, nhà hoặc du thuyền.

Dù nền kinh tế phát triển với quy mô lớn hơn 5 lần, song đồng 100 nhân dân tệ (16 USD)vẫn là động tiền có mệnh giá lớn nhất được lưu thông ở Việt Nam.
Dù nền kinh tế phát triển với quy mô lớn hơn 5 lần, song đồng 100 nhân dân tệ (16 USD)vẫn là động tiền có mệnh giá lớn nhất được lưu thông ở Việt Nam.
Theo các nhà kinh tế, khi chứng kiến cách thức đồng 100 nhân dân tệ tồn tại và được lưu thông trong quá trình bùng nổ kinh tế, có thể phần nào có hình dung cách thức vận hành của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Giám đốc điều hành trung tâm Havard tại Thượng Hải đồng thời là cựu giám đốc ngân hàng từng làm việc tại Trung Quốc trong suốt 30 năm, ông Jeffrey Williams, cho biết: "Tại nhiều khu vực của Trung Quốc, nó làm người ta liên tưởng tới nước Mỹ những năm 1950, khi hầu như mọi thứ đều quy ra tiền mặt. Ở Mỹ, bạn có thể thấy mỗi ngân hàng có một máy đếm tiền riêng, nhưng ở Trung Quốc, ai cũng có một chiếc".

Các thành phố ven biển Trung Quốc là những nơi phát triển mạnh mẽ nhất trong 30 năm qua, song các khu vực sâu bên trong đại lục vẫn khá nghèo khó và bị ngắt kết nối với mạng lưới tài chính hiện đại của thế giới. Kết quả là, đối với những người thuộc tầng lớp nghèo hơn ở Trung Quốc, mọi thứ đều phải quy ra tiền.

Không những người nghèo, mà cả người giàu Trung Quốc cũng thích xài tiền mặt. Do lượng tiền mặt quá lớn, họ thương phải giấu ở các thể chế tài chính ngầm nhằm thoát khỏi sự theo dõi của chính phủ. Điều này khá đối lập với các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, nơi các loại thẻ tín dụng hay séc dễ bị theo dõi thường ít được sử dụng.

Chuyên gia về kinh tế ngầm thế giới kiêm giáo sư kinh tế tại đại học Johannes Kepler, ông Friedrich Schneider, cho biết: "Người Trung Quốc thường không tin tưởng các ngân hàng cũng như chính quyền cho lắm. Do đó, với nhiều người, họ chỉ giao dịch bằng tiền mặt".

Chính sự thiếu niềm tin này đã dẫn tới một vòng tròn luẩn quẩn đuổi bắt giữa chính phủ mà các tội phạm tài chính. Những kẻ phạm tội thực hiện các giao dịch tiền mặt nhằm tránh bị đánh thuế hoặc bị kiểm soát, còn chính phủ thì cố gắng thâm nhập vào nền kinh tế ngầm rộng lớn, nơi mọi thứ đều được giao dịch bằng tiền mặt, nhằm theo dõi và đánh thuế các khoản giao dịch.

Nguồn NYTimes/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới