"Main Street" đổ vốn lớn vào chứng khoán Mỹ
Các chiến lược gia cho rằng, thời kỳ tăng giá của chứng khoán đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ trong năm 2014. Giới đầu tư cá nhân đã đổ thêm vốn, khoảng 100 tỷ USD, vào các quỹ tương hỗ vốn cổ phần và quỹ ETF trong năm 2013, cao gấp 10 lần so với năm 2012, theo số liệu của Bloomberg và Viện Doanh nghiệp đầu tư (ICI).
Wall Street và Main Street là cách chơi chữ nhằm thể hiện sự phân chia trong xã hội Mỹ. Wall Street (phố Wall) được dùng để chỉ tầng lớp thượng lưu - thành phần nhận được đa số lợi ích từ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Trong khi đó, Main Street (phố Chính) ám chỉ tầng lớp trung lưu - những người phải chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế. |
Quan điểm lạc quan của giới chuyên gia lại hoàn toàn trái ngược với dự báo của các ngân hàng như UBS và HSBC. Các ngân hàng cho rằng, chứng khoán Mỹ sẽ chỉ tăng hạn chế trong năm 2014 do định giá cổ phiếu đã lên cao nhất 4 năm. Lịch sử cho thấy, giới đầu tư cá nhân chỉ vung tiền đầu tư khi thị trường đã bước vào giai đoạn cuối của xu thời kỳ tăng giá.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ lao dốc khi chỉ số S&P 500 chứng kiến đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 do căng thẳng trong hệ thống tài chính của châu Âu và đồn đoán về thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chỉ số VIX theo dõi biến động chứng khoán Mỹ đã tăng 17% tính đến phiên giao dịch ngày 11/7.
Chỉ số S&P 500 tăng 6,5% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,5% của chỉ số hàng hóa Bloomberg (theo dõi 22 vật liệu thô) và 3,3% của chỉ số Trái phiếu kho bạc Mỹ Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu năm 2014 với nhiều tháng biến động thấp và tăng trưởng đều đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào tăng mạnh.
Tháng 6, tổng dòng vốn mà giới đầu tư cá nhân đổ vào các quỹ chứng khoán Mỹ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, theo số liệu của ICI và Bloomberg. Trước đó, giới đầu tư đã liên tục rút 300 tỷ USD từ thị trường chứng khoán trong 5 năm tính đến năm 2012.
Các chiến lược gia Phố Wall đang rất thận trọng trước dự báo cho rằng, chỉ số S&P 500 sẽ tăng 0,5% vào cuối năm 2014 lên 1.978 điểm.
Quyết định ngừng kích thích kinh tế vào tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn và doanh thu giảm thấp, theo chiến lược gia chứng khoán Julian Emanuel của UBS.
Giới đầu tư cũng sẽ đánh giá được tình hình sức khỏe của kinh tế Mỹ trong 2 tuần tới khi hơn 200 doanh nghiệp thuộc S&P 500 công bố báo cáo doanh thu hàng quý. Lợi nhuận dự báo sẽ tăng 4,5% trong quý II, theo khảo sát của Bloomberg.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư