Hủy
Thế giới

Mỹ bị các nước đồng minh "tẩy chay" vì áp thuế

Mạnh Đức Thứ Hai | 04/06/2018 09:40

Các bộ trưởng tài chính từ 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bày tỏ "sự thất vọng" về quyết định đơn phương của Tổng thống Donald Trump.
 

Các quan chức hàng đầu của Nhóm 7 nước công nghiệp (G7), gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh, đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin truyền đạt "mối quan ngại và thất vọng" của họ tới Tổng thống Mỹ, cho thấy các hành động thương mại gần đây của ông có thể kích động sự bất ổn, ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

"Có một sự khác biệt quan trọng của quan điểm", Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nói với các phóng viên tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 tại thị trấn trượt tuyết Whistler, Canada, hôm 2.6. "Với chúng tôi, người Mỹ đã quyết định làm một điều không mang tính xây dựng. Nó thực sự hủy hoại khả năng chúng tôi có thể đạt được một điều gì đó xung quanh vấn đề thuế quan lên thép và nhôm".

Trong một tuyên bố chung, 6 bộ trưởng tài chính, không có sự ủng hộ của Mỹ,  đã kêu gọi các nước "hành động quyết đoán" theo sau quyết định của chính quyền Trump áp dụng thuế quan đối với Canada, Liên minh châu Âu và Mexico trong tuần này. Mỗi quốc gia đã công bố kế hoạch riêng của mình để trả đũa Mỹ.

Ông Mnuchin nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo bên lề rằng ông đã thông báo cho Tổng thống Trump về những mối quan ngại về thương mại xuất phát từ các cuộc họp song phương với các đối tác Canada, Anh, Nhật và Đức. Ông nói rằng ông cũng sẽ nói chuyện với tổng thống một lần nữa khi ông trở về Washington.

"Tổng thống Trump thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề thương mại", ông Mnuchin nói. "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo chúng ta có thương mại công bằng và cân bằng và đó là những gì chúng tôi thực sự quan tâm".

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, Trump đã đăng dòng tweet rằng "Mỹ cuối cùng phải được đối xử công bằng trong thương mại".

"Nếu chúng tôi không áp thuế khi nhập khẩu hàng hóa của họ, và họ áp thuế 25, 50 hoặc thậm chí 100% khi chúng tôi xuất khẩu sang nước họ, điều đó là không công bằng và không thể nhân nhượng thêm nữa. Đó không phải là “tự do” hoặc “thương mại công bằng”, đó là “thương mại ngớ ngẩn! ", Tổng thống Mỹ chia sẻ trên Twitter.

Một vài giờ sau, ông Trump lại lên Twitter, nói rằng Mỹ đã bị các đồng minh lợi dụng. "Khi bạn tạo ra gần 800 tỷ USD một năm cho thương mại, bạn không thể thua một cuộc chiến tranh thương mại! Mỹ đã bị các quốc gia khác lừa gạt trong nhiều năm qua về Thương mại, bây giờ là lúc phải thông minh!"

Việc áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% với nhôm đã có hiệu lực vào hôm 1.6.

Hội nghị thượng đỉnh được cho là một cơ hội để ca tụng những thành công của nền kinh tế toàn cầu, nhưng các tranh chấp về thương mại đã bao trùm các cuộc họp.

Ông Mnuchin phải đối mặt với nhiều lời phàn nàn tại cuộc họp khi các quan chức G7 lên tiếng thất vọng về hành động của Mỹ, một hành vi xa lánh các đối tác thương mại lâu năm. Vị Bộ trưởng Mỹ đã phải dành vài giờ đầu tiên của mình ở Whistler để họp với các bộ trưởng tài chính các nước khác sau những cánh cửa đóng kín.

Ông Morneau cảnh báo trước cuộc họp song phương hôm 31.5 rằng ông "rõ ràng" thể hiện sự thất vọng của mình đối với ông Mnuchin vì quyết định bảo hộ của Mỹ.

"Chúng tôi sẽ bị chia rẽ - đó sẽ không phải là nhóm G-7 nữa, mà là G-6 cộng 1", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg. "Đó là nguy hiểm cho sự tăng trưởng, nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế của thế giới, và nguy hiểm cho công việc tại EU".

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng nói với các phóng viên hôm 1.6 rằng ông 'cảm thấy tiếc' cho ông  Mnuchin khi phàn nàn các vấn đề về thương mại.

"Ông ấy không trực tiếp chịu trách nhiệm về các mức thuế áp cho kim loại, vì vậy nó là rất khó khăn với ông ấy," Aso nói với các phóng viên. "Tôi cảm thấy tiếc cho ông ấy ".

Ông Mnuchin đã cố gắng làm giảm sự cô lập của mình với nhóm và nhấn mạnh sự đồng thuận chung về "nhiều, nhiều lĩnh vực".

"Đây là G7," Mnuchin nói. "Tôi nghĩ sẽ có ý kiến rằng G7 hiên là G6 cộng một. Nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng tôi tin vào G7. Đây là một nhóm quan trọng". Những gì diễn ra ở Whistler có thể điềm báo cho những gì có thể còn trầm trọng hơn khi các nhà lãnh đạo của các nước G7, bao gồm cả ôngTrump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, tổ chức các cuộc đàm phán vào tuần tới tại Quebec.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới