Hủy
Thế giới

Mỹ Latinh và cú ngã vì bám đuôi kinh tế Trung Quốc

Thứ Năm | 01/08/2013 13:04

Mỹ Latinh đặt cược quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc, để rồi lãnh hậu quả khi nền kinh tế đó chậm lại.
 

Trong 2 thập kỷ qua, rất nhiều phần của thế giới hưởng lợi lớn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó có Mỹ Latinh. Năm 1990, Trung Quốc chỉ đứng thứ 17 trong danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa lớn của châu Mỹ Latinh. Đến năm 2011, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Brazil, Chile và Peru, số 2 của Argentina, Cuba, Uruguay, Colombia và Venezuela.

Cũng trong khoảng thời gian này, thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh cũng tăng mạnh từ 8 tỷ USD lên 230 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự đoán con số này sẽ cán mốc 400 tỷ USD vào năm 2017.

Trong khi Trung Quốc bận bịu xây dựng các thành phố khổng lồ, những mạng lưới đường sắt và đường cao tốc chằng chịt, cũng như nuôi sống đội quân dân số đông chưa từng có, châu Mỹ Latinh có đóng góp không nhỏ cho sự trỗi dậy đó của Trung Quốc. Đồng Chile, kẽm Peru và quặng sắt Brazil được vận chuyển ồ ạt với số lượng lớn vào Trung Quốc đại lục.

Bên cạnh tài nguyên khoáng sản, Trung Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của Mỹ Latinh, khi chiếm tới 40% lượng nông sản xuất khẩu toàn cầu của khu vực. Các loại thực phẩm Mỹ Latinh xuất sang Trung Quốc chủ yếu gồm thịt bò, thịt gia cầm, đậu nành, ngô, cà phê và thức ăn gia súc.


Châu Mỹ Latinh đặt cược quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc, để rồi lãnh hậu quả khi nền kinh tế đó chậm lại.
Mỹ Latinh đặt cược quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc, để rồi lãnh hậu quả khi
nền kinh tế đó chậm lại.

Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh làm dấy lên 2 câu hỏi lớn với phần còn lại của thế giới. Thứ nhất, điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng kinh tế và đầu tư của Trung Quốc chậm lại? (Trên thực tế quá trình này đã và đang diễn ra). Thứ 2, bằng cách nào Mỹ Latinh có thể cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi mối quan hệ đó chỉ đơn thuần dựa trên xuất khẩu hàng hóa?

Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, cần thiết phải nắm rõ tình hình kinh tế châu Mỹ Latinh những năm 1990. Theo như nhận định của nhà ngoại giao kiêm học giả Venezuela, Alfredo Toro Hardy, ở thời điểm đó Mỹ Latinh tồn tại cả "kẻ thắng" và "người thua".

"Người thua" ở đây chính là Mexico và cái gọi là "kinh tế học kiểu Mexico" của Trung Mỹ, với những nhà máy kiểu "maquiladora", là loại xưởng dùng lắp ráp hay sản xuất hàng hóa từ vật liệu nhập cảng miễn thuế, rồi lại xuất cảng trở lại quốc gia nguyên xuất. Loại xưởng sản xuất này thường nằm trên lãnh thổ Mexico và chủ yếu nhận hàng nhắm vào thị trường Mỹ.

Đối một quốc gia chuyên nhập ròng các loại nguyên liệu thô như Mexico, việc giá cả hàng hóa gia tăng, kết hợp với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo nên những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Quan trọng hơn, khi năng lực sản xuất của Trung Quốc gia tăng, các nhà máy "maquiladora" của Mexico nhanh chóng mất khả năng cạnh tranh. Từ năm 2001 đến 2006, thị phần xuất khẩu máy tính cá nhân của Mexico tại Mỹ giảm còn 7%, trong khi của Trung Quốc tăng gấp 3 lên 45%.

Bên cạnh "kẻ thua", Mỹ Latinh cũng có "người thắng" là Brazil cùng "kinh tế học kiểu Brazil" của Nam Mỹ. Trung Quốc không chỉ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ các nước Nam Mỹ như Peru hay Chile, mà giá cả các loại nguyên liệu thô cũng được đẩy lên cao kỷ lục. Theo tính toán của Kevin Gallagher và Roberto Porzecanski trong tác phẩm The Dragon in the Room, tăng trưởng kinh tế 3 quý gần đây của Mỹ Latinh phần lớn nhờ vào xuất khẩu hàng hóa. Tỷ lệ tăng trưởng của những nước này do đó cũng chịu sự chi phối của hoạt động thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả trong những thời khắc tốt đẹp nhất, nhiều người tỏ ra nghi ngại việc Mỹ Latinh quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Hàng hóa nguyên liệu được Trung Quốc nhập về với giá rẻ vô tình làm suy yếu năng lực của các nhà sản xuất Mỹ Latinh, kể cả ở những quốc gia với nền tảng công nghiệp phức tạp như Brazil. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng khiến đồng tiền của các nước xuất khẩu hàng hóa cũng tăng giá, kết quả hàng hóa do chính họ xuất trở nên kém cạnh tranh hơn - một hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là "căn bệnh Hà Lan".

Những mối lo như vậy không chỉ riêng Mỹ Latinh, mà bất cứ quốc gia nào lỡ cưỡi trên lưng "con rồng kinh tế" Trung Quốc không sớm thì muộn cũng phải gánh chịu, từ Australia cho tới Mông Cổ. Nhiều quốc gia thậm chí vẫn chấp nhận mạo hiểm đặt cược các trang trại, hay đúng hơn là hầm mỏ, của mình vào sự thèm khát tài nguyên tưởng chừng như không bao giờ dứt của Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế thứ 2 thế giới đang chậm lại rõ rệt.

Kinh tế TRung Quốc
Khi kinh tế Trung Quốc giảm từ tốc độ tăng trưởng 2 con số xuống mức dự báo 7,5% trong năm nay, nền kinh tế của các nước xuất khẩu nguyên liệu cũng nhanh chóng đi xuống, điển hình là Brazil. Sản xuất Trung Quốc chậm lại, trong khi giá cả các loại nguyên liệu xuất khẩu như đồng, quặng sắt và than đá giảm 30-50% so với mức đỉnh năm 2011, tăng trưởng kinh tế Brazil cũng tụt thảm hại từ 7,5% trong năm 2010 xuống còn 1,8% trong năm 2012.

Nhiều nhà kinh tế bi quan nhận định quá trình đó có thể còn kéo dài hơn nữa nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại, hoặc chuyển từ dạng tăng trưởng nhờ đầu tư sang định hướng tiêu dùng trong nước.

Trong báo cáo mang tên "Nếu Trung Quốc hắt hơi" (If China sneezes), ngân hàng Nomura ước tính nếu nền kinh tế 8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc giảm 1% xuống mức 6,9% trong năm 2014, kinh tế Mỹ Latinh cũng theo đó giảm 0,5%. Tăng trưởng kinh tế một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như Australia dự kiến sẽ giảm 0,7% hoặc hơn, cá biệt có Singapore giảm tới 1,3% do có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Xét một cách công bằng, sự đi xuống của Trung Quốc không hoàn toàn xấu, bởi đó sẽ là cơ hội cho sự trở lại của những nền kinh tế khác, chẳng hạn như Mexico, nơi đang phải chịu đựng nhiều tác động xấu do sự trỗi dậy của Trung Quốc, như hệ thống nhà máy maquiladora và giá cả hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề.

Thậm chí như Brazil, kinh tế Trung Quốc suy yếu ở góc độ nào đó vẫn chưa hẳn là điều tiêu cực. Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục, do đó nhu cầu đối với nguyên liệu và kim loại sẽ vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, sự chậm lại trong nhu cầu hàng hóa nguyên liệu sẽ sớm được bổ khuyết bởi nhu cầu lương thực. Theo các chuyên gia, chìa khóa cho Mỹ Latinh và các nhà cũng cấp khác ở thị trường Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ thương mại nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng.

Nguồn FT/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới