Hủy
Thế giới

Năm phiên họp Fed định hình thị trường trong lịch sử

Thứ Tư | 16/09/2015 11:45

Thứ Năm 17/9 Fed sẽ công bố quyết định quan trọng về lãi suất. Câu hỏi quan trọng duy nhất là liệu FOMC có quyết định nâng lãi suất hay không.
 

Việc kết thúc chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài gần một thập kỷ qua biến phiên họp ngày 16-17/9 tới của Fed trở thành một trong những phiên họp quan trọng nhất trong lịch sử Ngân hàng trung ương Mỹ.

Dưới đây là 5 phiên họp trong lịch sử có ảnh hưởng tương tự.

1. Phiên họp Fed ngày 25/5/1936

Đến nay phiên họp này có thể được coi là nổi tiếng nhất. Ban đầu Fed ở trạng thái chờ đợi và phòng thủ khi Hoảng loạn 1929 (Panic of 1929) biến thành Đại suy thoái. Marriner Eccles đắc cử vị trí Chủ tịch Fed năm 1934 và ông nổi tiếng đến tận ngày nay với cái gọi là phương pháp chủ động giải quyết khó khăn.

Đến năm 1936, khi Eccles đang đương nhiệm, nhiệm vụ của Ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn tất và nền kinh tế đang hồi phục. Tháng 5/1936, ngân hàng trung ương Mỹ phát tín hiệu thay đổi chính sách bằng việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Tín hiệu này gây ra tác dụng ngược. Cùng với chính sách tài khóa thắt chặt hơn, các khoản cho vay của ngân hàng sụt giảm và nền kinh tế lại rơi vào Đại suy thoái. Phiên họp Fed vào thời điểm này quan trọng thế nào? Giờ đây, tác dụng và ảnh hưởng của nó vẫn được dẫn chiếu và tham khảo.

Với tình trạng suy thoái, chỉ số Dow Jones giảm từ 153 điểm tháng 5/1936 xuống 115 điểm trong tháng 11/1941. Sau đó, thế chiến II nổ ra. Và chỉ số Dow Jones không thể hồi phục lại mức của năm 1936 cho đến khi thế chiến kết thúc.

2. Phiên họp Fed ngày 25/10/1955

Với việc chỉ số Dow Jones tăng trở lại mức trước Đại suy thoái, Phố Wall bắt đầu cảm thấy “dễ thở”. Ngày 19/10/1955, Chủ tịch Fed khi đó William McChesney Martin gặp mặt nhóm các chủ ngân hàng New York tại Waldorf và có bài phát biểu tán dương tác dụng của sự ôn hòa và tiết kiệm như con đường đi đến sự thịnh vượng. Trong bài phát biểu này, Chủ tịch Fed sử dụng phép ẩn dụ - nổi tiếng đến tận ngày nay - về chiếc bát pha rượu (punch bowl).

Nam phien hop Fed dinh hinh thi truong trong lich su
Chủ tịch Fed William McChesney Martin

Trong phiên họp ngày 25/10, Fed đã đưa những nguyên tắc trên vào thực tiễn. Nền kinh tế Mỹ đang tìm lại trạng thái cân bằng sau cuộc chiến Triều Tiên. Cả Chủ tịch Fed Martin và Tổng thống Eisenhower đều là những người bảo thủ về tài chính và rất quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát.

Fed đã để cho kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái năm 1957 thay vì kích thích. Tuy nhiên, chính sách tài khóa này lại là yếu tố chính đưa đến thời kỳ bùng nổ những năm 1950 và 1960. Từ năm 1954 đến 1965, chỉ số Dow Jones tăng gấp đôi, lên gần 1.000 điểm vào năm 1966. Ông Martin rời khỏi Fed năm 1970 và tình trạng lạm phát trở nên mất kiểm soát buộc Mỹ phải đưa ra những biện pháp cực đoan để kiểm soát.

3. Phiên họp Fed ngày 14/8/1979

Chỉ số Dow Jones nói chung ảm đạm trong suốt những năm 1970. Đến tháng 8/1979, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 900 - thấp hơn so với năm 1965 và lạm phát mất kiểm soát.

Trọng trách “thuần hóa quái thú” được trao cho Paul Volcker, nhà kinh tế học từng làm việc tại Fed, Chase Manhattan Bank và Bộ Ngân khố Mỹ. Tháng 8, ông Volcker tham dự phiên họp đầu tiên với tư cách Chủ tịch Fed và lập tức bắt đầu áp dụng chính sách của mình. Với mức lãi suất liên bang (Fed Funds Rate*) ở 11%, Fed đã đưa ra kế hoạch nâng lên.

Đến tháng 4/1980, lãi suất liên bang đạt 18% và đến tháng 1/1981 tăng lên 19%. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phát huy hiệu quả. Lạm phát giảm xuống và kể cả khi ông Volcker buộc phải từ nhiệm năm 1987, các chính sách gây tranh cãi mà ông áp dụng đã tạo tiền đề cho thời kỳ “đại điều tiết” (great moderation) sau đó.

4. Phiên họp Fed ngày 23/9/1998

Suốt những năm 1980 và 1990, kinh tế Mỹ bùng nổ. Chỉ số Dow Jones tăng từ 900 điểm năm 1979 lên 2.000 điểm năm 1988 và gần 8.000 điểm vào mùa hè năm 1998. Chủ tịch Fed Alan Greenspan - kế nhiệm Volcker - nhận được nhiều lời ca tụng và đến giữa những năm 1990, thị trường rơi vào trạng thái phấn khích đến mức kể cả “Nhạc trưởng đại tài” (Maestro) cũng không thể kiềm chế được.

Nam phien hop Fed dinh hinh thi truong trong lich su
Chủ tịch Fed Alan Greenspan

Bài phát biểu “cảnh báo” của ông Greenspan năm 1996 bị phớt lờ. Thị trường tiếp tục tăng và giới đầu cơ liên tục tăng đặt cược. Và một trong những tay chơi lớn nhất trên Phố Wall nhận thấy mình đang bên bờ vực sụp đổ - sự sụp đổ lớn đến mức đe dọa kéo giảm toàn bộ thị trường tài chính.

Phiên họp Fed diễn ra vào ngày 23/9/1998 tại trụ sở Fed ở New York không phải là phiên họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Lãi suất và chính sách của Fed không phải là chủ đề thảo luận. Thay vào đó, đây là phiên họp của các quan chức Fed và giới chủ ngân hàng Phố Wall và chủ đề thảo luận là quỹ đầu cơ Quản lý Nguồn vốn Dài hạn (LTCM) - một quỹ phòng hộ đang được kích lên quá mức, nhưng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Tháng 9, Fed đưa ra gói cứu trợ cho LTCM. Ngân hàng trung ương không sử dụng nguồn tiền của mình nhưng sự can thiệp này được Phố Wall hiểu là Ngân hàng trung ương luôn ở đó và ẵn sàng cứu thị trường.

Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn và Fed trở thành trung tâm hơn bao giờ hết đối với sức khỏe nền kinh tế.

5. Phiên họp Fed ngày 16/12/2008

Lehman Brother sụp đổ. Thị trường chứng khoán hoảng loạn. Fed và chính phủ Mỹ cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng trong nhiều tháng. Nền kinh tế bên bờ vực suy thoái; 476.000 việc làm biến mất trong tháng 10, và đến tháng 11 là 760.000 việc làm.

Nam phien hop Fed dinh hinh thi truong trong lich su
Chủ tịch Fed Ben Bernanke

Fed dưới thời Chủ tịch Ben Bernanke, đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhưng trong phiên họp giữa tháng 12 này, ngân hàng trung ương Mỹ cũng giảm lãi suất qua đêm xuống 0,00%-0,25%. Fed bắt đầu “gọt tỉa” lãi suất trong mùa hè năm 2007 và liên tục giảm trong suốt năm 2008. Lãi suất cơ bản chỉ còn 2% vào tháng 8/2008. Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra, Fed nhanh chóng hạ lãi suất xuống cận 0 và duy trì từ đó đến giờ.

Từ cổ chí kim, chưa một chính sách tiền tệ nào được duy trì trong một thời gian dài như vậy. Do vậy, bất kể thời điểm Fed nâng lãi suất, hoặc trong tuần này hoặc cuối năm nay hoặc thậm chí sang năm 2016, đây là thời điểm xứng đáng được liệt vào danh sách những phiên họp lịch sử của Fed.

* Fed Funds Rate là lãi suất mà các tổ chức tín dụng (thường là các ngân hàng) cho nhau vay phần vốn dự trữ bắt buộc dư thừa (hoặc thiếu hụt tạm thời) đang nằm trong quỹ dự trữ liên bang theo yêu cầu đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (có thể gọi là lãi suất điều hoà vốn dự trữ overnight).

Nhật Trường

Nguồn WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới