Hủy
Thế giới

Năm yếu tố có thể nhấn chìm kinh tế Nga

Thứ Ba | 11/11/2014 16:45

Kinh tế Nga có thể hồi phục hay không phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và hành động của Tổng thống Vladimir Putin.
 

Giá dầu lao dốc và loạt đòn trừng phạt của phương Tây được xem là 2 cú sốc lớn nhất mà Nga phải hứng chịu trong năm nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng, nội tệ trượt giá, nền kinh tế tăng trưởng trì trệ và niềm tin đầu tư giảm mạnh. Tất nhiên, kinh tế có thể phục hồi hay không phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và hành động của Tổng thống Vladimir Putin.

Ngày 10/11, ngân hàng trung ương Nga dự báo, kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm 2016 sau khi không tăng trưởng trong năm trước đó. Nga thậm chí có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn nữa nếu không giải quyết được 5 vấn đề sau đây.

1. Nợ ngoại tệ của ngân hàng

Hiện tại, khối ngân hàng của Nga đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi tổng nợ nước ngoài đã tăng lên khoảng 192 tỷ USD trong khi nắm giữ ngoại tệ đang dần cạn kiệt. Ruble liên tục trượt giá kết hợp với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng trên thị trường là 2 yếu tố chính đang đẩy khối ngân hàng của Nga đến bờ vực vỡ nợ.

Tỷ giá giữa ruble và USD (Nguồn: CNN)

 

Các chuyên gia tại ước tính, nếu ruble tiếp tục lao dốc, chi phí đảm bảo nợ của các ngân hàng Nga sẽ tăng lên 22 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP nước này.

2. Thâm hụt ngân sách

Các tài liệu của chính phủ Nga cho biết, ngân sách năm 2015 - 2017 chủ yếu sẽ đến từ hoạt động buôn bán dầu thô với giá dầu ở 100 USD/thùng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu đã giảm xuống còn 84 USD/thùng. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã kêu gọi chính phủ cắt giảm chi tiêu thêm 10% nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách trong 2 năm tới. Hiện nay, dầu và khí đốt chiếm hơn 1/2 ngân sách chính phủ Nga.

3. Đòn trừng phạt từ phương Tây

Căng thẳng nội bộ tại miền Đông Ukraine càng leo thang thì Nga càng có nguy cơ bị phương Tây tăng cường trừng phạt. Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố hôm qua, ngân hàng trung ương Nga dự báo, phương Tây sẽ duy trì chính sách trừng phạt đến cuối năm 2017.

Từ lâu, Mỹ và các đồng minh vốn cho rằng, Nga đang xúi giục và tiếp tay cho những hành động phản kháng tại miền Đông Ukraine. Tuần trước, chính quyền Kiev đã cáo buộc Nga xúi giục phiến quân tổ chức bầu cử tại Donetsk và Luhansk.

Kinh tế Nga đã suy sụp rất nhiều kể từ khi phương Tây bắt đầu triển khai đòn trừng phạt đầu tiên. Dòng vốn tháo chạy khỏi Nga cũng theo đó tăng mạnh kể từ đầu năm. Ngân hàng trung ương Nga dự báo, giới đầu tư sẽ rút tổng 128 tỷ USD ra khỏi Nga trong năm nay và 100 tỷ USD trong năm tiếp theo.

4. Lạm phát

Để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, Nga tuyên bố cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số nước, đẩy lạm phát tiêu dùng lên cao. Theo đó, lạm phát tháng 9 của Nga đã vọt lên 8%. Ngân hàng trung ương Nga dự báo, giá tiêu dùng tại nước này sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn đến cuối năm, vượt xa mục tiêu 5%.

5. Những lời phủ nhận của Tổng thống

Bất chấp những cảnh báo từ các bộ trưởng và quan chức ngân hàng, Tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn khá bình thản, thậm chí phủ nhận rằng, kinh tế Nga đang lâm vào bế tắc. Với quan điểm như vậy, chính phủ Nga cũng không quá vội vàng trong việc cứu trợ nền kinh tế. Trên thực tế, đây lại là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để đẩy Nga xuống bờ vực suy thoái sâu.

Nguồn DVO/ CNN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới