Hủy
Thế giới

Phố Wall chờ đợi các động thái kích thích mới

Thứ Hai | 09/07/2012 05:30

Sắp bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh, ngoài lợi nhuận công ty, thị trường cũng tập trung tới động thái kích thích nối tiếp các biện pháp tuần trước.
 

Sau khi 3 ngân hàng trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ tuần trước, thị trường sẽ ngóng chờ văn bản cuộc họp chính sách Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chính thức đưa ra thứ 4 tuần này 11/7 về quyết định vòng mua trái phiếu tiếp theo. Dữ liệu thị trường lao động tiêu cực hôm thứ 6 tuần trước tăng khả năng Fed khởi động vòng nới lỏng tiền tệ mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, khảo sát của Reuters chỉ ra.

Tiếp sau văn bản họp của Fed giữa tuần sẽ là đánh giá sức khỏe nền kinh tế Nhật Bản của Ngân hàng trung ương nước này (BOJ). Brian Jacobsen, chiến lược gia của Well Fargo Funds Management ở Menomonee Falls, Wisconsin nhận định nếu BOJ có động thái nới lỏng có thể hạ giá yên, và tác động tích cực chứng khoán toàn cầu trong ngắn hạn.

Các hành động gần đây của các ngân hàng trunng ương có thể được nhìn nhận là các động thái phòng ngừa trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại. Dữ liệu GDP tuần tới của Trung Quốc là thông tin quan trọng làm sáng tỏ tình hình nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP quý II Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước là 7,6%, so với 8,1% tăng trưởng trong quý I. Ngoài ra, các dữ liệu đáng chú ý của Trung Quốc trong tuần bao gồm: lạm phát, tăng trưởng nợ, cán cân thương mại, doanh thu bán lẻ và đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến tháng 6.

Thị trường cũng chú ý đến các động thái của châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi có buổi điều trần trước Nghị viện châu Âu ngày thứ 2, 9/7. Hội nghị các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (Ecofin) diễn ra ngay sau đó, ngày thứ 3, 10/7.

Chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu chậm lại. Khủng hoảng nợ châu Âu vẫn là tâm điểm chú ý, và đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề, tuy nhiên việc làm cách nào để đối phó với khủng hoảng và các vấn đề ngành ngân hàng vẫn chưa rõ ràng.

Sự bất ổn khiến thị trường rơi vào tay các nhà giao dịch, những người tìm kiếm cơ hội từ sự lên xuống thất thường của thị trường, trong khi các nhà đầu tư nhắm đến mục đích dài hạn đứng ngoài quan sát. Hôm thứ 6 tuần trước, S&P 500 đóng cửa giảm 0,55% cả tuần. Trong 8 tuần gần đây nhất, chỉ số này tăng 4 tuần và giảm 4 tuần.

Báo cáo kết quả kinh doanh đáng chú ý trong tuần gồm kết quả lợi nhuận của tập đoàn Alcoa, hãng sản xuất nhôm lớn nhất nước Mỹ. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến nhà sản xuất nhôm khó lòng duy trì kết quả kinh doanh tích cực quý trước.

Đồng thời, JPMorgan cũng báo cáo lợi nhuận tuần này. Các nhà đầu tư đặc biệt muốn biết sau khoản lỗ ước tính ban đầu 2 tỷ USD ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh ngân hàng thế nào. Các báo cáo mới nhất chỉ ra thiệt hại từ thương vụ gây lỗ của JPMorgan có thể gấp 4 lần dự tính ban đầu.

Lịch sự kiến tuần tới cũng bao gồm các thông tin về thương mại, giá nhập khẩu của Mỹ, cũng như các ước tính sơ bộ về niềm tin tiêu dùng tháng 7 do Thomson Reuters/ Đại học Michigan khảo sát.

sự kiện

Nguồn Reuters/ DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới