Hủy
Thế giới

Phố Wall tuần này: Bờ vực tài khóa có thể là cơ hội cho chứng khoán Mỹ

Thứ Hai | 19/11/2012 06:13

Có nhiều cuộc khủng hoảng đem lại lợi ích cho kinh tế Mỹ, và các nhà đầu tư hy vọng bờ vực tài khóa cũng sẽ làm được điều tương tự.
 

Trong lịch sử, có những cuộc khủng hoảng cuối cùng lại trở thành một cơ hội mua đối với các loại cổ phiếu Mỹ, có thể kể đến như Sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ 1987, Sự cố Y2K hay Sự kiện nâng trần nợ năm 2011. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng "bờ vực tài khóa" mà nước Mỹ đang đối mặt hiện tại có thể là một cơ hội mới với thị trường chứng khoán, dù trong thời gian qua những cổ phiếu mà họ yêu thích đang tuột dốc thê thảm.

Hôm 17/11 vừa qua, các cổ phiếu đã tạm thời tăng trở lại sau khi vòng đàm phán đầu tiên về bờ vực tài khóa được tổ chức giữa tổng thống Barack Obama và Hạ viện Mỹ. Điều này cũng là cơ sở để nhiều nhà đầu tự tin rằng sự suy giảm trong thời gian qua của phố Wall chính là một cơ hội mua hiếm có. Mặc dù mức tăng là khá nhỏ trong khi niềm tin của thị trường vẫn khá yếu, song nó lại là tín hiệu rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

Tuy nhiên, dù đã tăng trong phiên giao dịch hôm 17/11, song chừng đó chưa đủ để bù đắp những tổn thất mà chứng khoán Mỹ phải gánh chịu trong tuần qua. Tuần này, S&P 500 giảm 1,5%, trong khi chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và Nasdaq giảm 1,8%.

Kể từ khi tổng thống Obama chính thức tái đắc cử, chỉ số S&P đã giảm hơn 5%. Theo các nhà phân tích, chính những lo ngại về chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của Washington có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái đã ảnh hưởng nặng nề lên thị trường chứng khoán.

Mặc dù vậy, một số người lại coi sự suy giảm này của thị trường chỉ là một phản ứng thái quá của thị trường đối với sự bế tắc của Washington trong việc giải quyết triệt để vấn đề ngân sách. Họ cũng đồng thời tin rằng cổ phiếu có thể bắt đầu tăng trở lại sau thời điểm diễn ra Lễ Tạ ơn, vào ngày 22/11 tới đây.

Hiện tại, chương trình tăng thuế thu nhập bán tài sản và thuế cổ tức vẫn đang được xúc tiến thực hiện. Các nhà phân tích nhận định, tổng thống Obama hiện có nhiều lợi thế trong việc thuyết phục quốc hội chấp nhận chương trình này, bởi mặc dù không muốn tăng thuế, song các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa cũng không muốn bị đổ lỗi là khiến kinh tế Mỹ rơi vào bờ vực tài khóa.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại của nước Mỹ khá tương đồng với cuộc chiến nâng trần nợ trong năm 2011 giữa chính phủ và quốc hội, kết quả là Mỹ đã bị hạ xếp hạng tín dụng AAA của mình vào tháng 8/2011.

Vào thời điểm các cuộc tranh luận giữa các nhà lập pháp và chính phủ nổ ra, tính đến tháng 7/2011, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 18,8% so với mức đỉnh, và chạm đáy chỉ một tháng sau đó. Trong khi thị trường suy giảm, bế tắc chính trị tại Washington cũng làm tổn thương nghiêm trọng lòng tin của các nhà đầu tư, và đó cũng chính là bước ngoặt của thị trường.

Ngay khi thỏa thuận về nâng trần nợ được thông qua, dù không biến động nhiều trong tháng 9/2011, chỉ số S&P 500 sau đó đã tăng tới 31% trong giai đoạn từ từ tháng 10/2011 cho đến tháng 3/2012.

Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tin rằng, nếu các cuộc đàm phán giữa các nhà lập pháp Mỹ có kết quả khả quan, đó sẽ là thời điểm vực dậy thị trường. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ hôm 17/11 cho biết các cuộc đàm phán tìm giải pháp sẽ được tiếp tục ngay sau Lễ Tạ ơn.

Nhà quản lý cao cấp danh mục đầu tư tại UBS Financial Services, ông Brad Lipsig, nhận định: "Cuộc tranh luận về cách thức giải quyết bờ vực tài khóa có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp cho thị trường hơn mọi người vẫn hình dung. Mỹ đang phải đối mặt với núi nợ lớn, và các bước nghiêm túc hướng tới giải quyết triệt để vấn đề này sẽ là nền tảng tích cực cho tăng trưởng trong tương lai". Ông Lipsig cũng cho rằng sau một thời gian suy giảm, khi những lo ngại của các nhà đầu tư dần chuyển thành tâm lý lạc quan, đó chính là lúc thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi trở lại.

Tuần qua cũng là tuần ghi nhận nhiều biến động lớn khi một loạt các cổ phiếu từng tăng mạnh trong năm nay bắt đầu phải chịu cảnh bị bán tháo, điển hình là Apple và General Electric (GE). Kể từ khi đạt mốc trên 700 USD, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm khoảng 25%, trong khi cổ phiếu của GE cũng giảm 14%.

Ngoài Apple và GE, cổ phiếu của Google đã giảm 16%. Theo số liệu tổng hợp của Harrison, chi nhánh của tập đoàn đầu tư Bespoke Investment Group, nhìn chung, những cổ phiếu trong nhóm tăng mạnh trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ đã quay đầu giảm mạnh.

Bảng sự kiện

Nguồn Reuters/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới