Hủy
Thế giới

Tây Ban Nha khó giải quyết nợ công nếu không kêu gọi cứu trợ

Thứ Tư | 31/10/2012 16:15

Khó sửa đổi các sắc thuế và cấu trúc chính phủ phi tập trung có thể sẽ làm Tây Ban Nha tiến nhanh hơn đến việc yêu cầu cứu trợ.
 

Chính phủ Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone), hi vọng sẽ nhận được những gói cứu trợ để tài trợ cho tài chính công sau khi đã nhận được hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng của mình. Với lý do đang gặp vấn đề thanh khoản tạm thời, Tây Ban Nha đề nghị Quỹ bình ổn châu Âu (European Stability Mechanism) mua một số nợ mới phát hành. Trước đó, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi tín hiệu sẽ mua không giới hạn nợ ngắn hạn của những nước cần thiết cứu trợ.

Tây Ban Nha đã không đạt mục tiêu giảm thâm hụt xuống còn 6% năm 2011 so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 9,7% năm 2010. Và năm ngoái, thâm hụt tăng cao lên 9,4%. Mục tiêu năm nay là 6,3%, sau khi trừ đi hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng được nhận trước đó. Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính thâm hụt rơi vào khoảng 7%.

So với các quốc gia phát triển khác, năm nay là năm thất bại của Tây Ban Nha. Khi so sánh dự báo cho tháng 4 và tháng 10, trong số 30 nền kinh tế phát triển, cán cân ngân sách của Tây Ban Nha giảm giá trị lớn nhất, báo cáo của IMF cho biết. Mức nợ sau khi điều chỉnh lên đứng vị trí số hai, thứ nhất là Hy Lạp. Nền kinh tế được dự báo sẽ thu hẹp 0,5% trong khi các chuyên gia kinh tế của The Economist lại cho rằng con số là 1,4%.

Dù đã từng có thặng dư ngân sách và mức nợ công trung bình trong giai đoạn 2005 - 2007 (Hình 1) nhưng nợ và thâm hụt ngân sách lại gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.


Hình 1

Có hai lý do giải thích cho hiện tượng này. Thứ nhất, trong thời gian 2005 - 2007, số thu thuế của Tây Ban Nha tới từ bùng nổ bất động sản và thuế nhập khẩu. Những nguồn thu này cạn kiệt ngay khi có khủng hoảng. Số thu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm trên GDP của Tây Ban Nha giảm 5% từ 2007 tới 2012, lớn nhất trong eurozone.

Thứ hai, Tây Ban Nha không quản lý tốt nguồn tài trợ cho chính quyền địa phương. 17 vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha đã chi tiêu nhiều trong năm qua nhưng nguồn thu lại không đủ đáp ứng (Hình 2). Vì vậy, chính quyền địa phương phải xin trợ cấp từ chính quyền trung ương dẫn tới những khó khăn của chính phủ Tây Ban Nha.


Hình 2

Ràng buộc ngân sách lỏng lẻo cộng với hệ thống chính quyền phi tập trung gây ra nhiều vấn đề cho Tây Ban Nha. Trong tuần, Moody's đã lại đưa ra cảnh báo bằng cách hạ bậc tín nhiệm của 05 vùng của Tây Ban Nha.

Đây là hai vấn đề không hề dễ giải quyết vì (1) đụng tới việc phải cải tạo lại nhiều sắc thuế trong đó tập trung vào tăng thuế và mở rộng cơ sở thuế; và (2) áp lực chống đối từ các vùng lãnh thổ, đặc biệt là vùng kinh tế lớn nhất Catalonia.

Tất cả những điều này dẫn tới nhu cầu đi vay từ Tây Ban Nha. Chính phủ ước lượng con số nợ sẽ phát hành khoảng 207 tỷ euro (271 tỷ USD) vào năm 2013 với giả định rằng sẽ chỉ thâm hụt ngân sách 4,5% so với GDP - mốc khó đạt được dựa trên những dữ liệu lịch sử. Việc Tây Ban Nha kêu gọi cứu trợ chắc sẽ không còn xa.

Nguồn Economist/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới