Hủy
Thế giới

Thái Lan: Nguy cơ suy thoái tăng cao do bất ổn chính trị

Thứ Sáu | 16/05/2014 15:15

Khủng hoảng chính trị kéo dài có thể khiến Thái Lan trở thành nước duy nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á rơi vào suy thoái.
 

Theo kết quả khảo sát 12 nhà phân tích do Bloomberg News thực hiện, GDP quý I năm nay của Thái Lan có thể giảm 2,2% so với quý IV năm ngoái. Các nhà kinh tế học tại DBS Group Holdings Ltd và Mizuho Bank Ltd cho biết, năm nay tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể sụt giảm trong 2 quý liên tiếp.

Vishnu Varathan, nhà kinh tế học cao cấp của Ngân hàng Mizuho tại Singapore, cho biết “Thái Lan có thể không nằm trong nhóm các nước có thể rơi vào suy thoái về mặt lý thuyết. Trong dài hạn, con đường mà Thái Lan đã chọn là nền kinh tế vận hành tách biệt với chính trị, nhưng tôi nghĩ rằng giả định này không còn đúng nữa”.

Các cuộc biểu tình phản đối bắt đầu hồi cuối tháng 10 năm ngoái nhằm phế truất thủ tướng Yingluck Shinawatra đã cản trở hoạt động chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và phần nào khiến Honda Motor quyết định hoãn việc xây dựng nhà máy tại Thái Lan. Người biểu tình đã cản trở các cuộc gặp giữa quan chức bầu cử và thủ tướng tạm quyền, làm dấy lên mối nghi ngờ về kế hoạch bỏ phiếu dự định diễn ra vào tháng 7 và buộc các công ty xếp hạng đưa ra cảnh báo mới.

Trong số 11 đồng tiền châu Á đang giao dịch được Bloomberg theo dõi, đồng baht Thái hoạt động kém hiệu quả nhất và chỉ số chứng khoán của Thái Lan cũng giảm cùng kỳ.

Nguồn đầu tư vào Thái Lan

Nhiều thập niên qua, Thái Lan đã khá thành công trong thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ôtô nước ngoài kể cả Toyota và General Motor nhằm tạo dựng vị thế trung tâm sản xuất ôtô trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan năm 2012 tăng lên 10,7 tỷ USD từ 9 tỷ USD năm 2011, chỉ đứng sau Singapore và Indonesia trong khu vực, bất chấp việc FDI vào Philippines và Việt Nam tăng mạnh.

Glenn Maguire, nhà kinh tế học tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd (ANZ) tại Singapore, cho biết “Về lĩnh vực đầu tư mới, các nền kinh tế như Indonesia và Malaysia bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn. Thái Lan có thể tiếp tục hoạt động kém hiệu quả và tình trạng này vẫn tiếp tục trong thời gian tới.”.

Thái Lan đã vượt qua các cuộc đảo chính, thiên tai và suy thoái - cuộc suy thoái trên lý thuyết gần đây nhất hồi cuối năm 2008 và quý I/2009 tiếp sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu giảm và những người biểu tình phản đối chính phủ đóng cửa sân bay quốc tế Bangkok trong hơn 1 tuần. 2 trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Thái Lan sụt giảm, trong khi lòng tin tiêu dùng tháng 4 giảm trong tháng 13 liên tiếp.

Tín dụng âm

Fitch Ratings hôm 20/3 cho biết, viễn cảnh về xếp hạng nợ của Thái Lan có thể được đánh giá lại nếu tình trạng trì trệ tiếp tục diễn ra trong quý II. Thái Lan được Standard & Poor (S&P) xếp hạng BBB+ từ năm 2004, kể cả khi Philippines được S&P nâng hạng lên BBB từ BBB- hồi năm ngoái.

Theo Korn Chatikavanij, cựu Bộ trưởng Tài chính, trong ngắn hạn, việc hạ xếp hạng sẽ không ảnh hưởng đến Thái Lan khi việc trả nợ thấp hơn 10% ngân sách và tỷ lệ nợ/GDP chỉ là 45%.

Hoãn xây dựng nhà máy

Tháng 4, Ngân hàng trung ương Thái Lan tiếp tục giữ nguyên lãi suất sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2010 hồi tháng 3. Thống đốc Ngân hàng Prasarn Trairatvorakul hồi tháng trước cho biết, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 trong phiên họp tới đây ngày 18/6.

Phó chủ tịch điều hành Honda Tetsuo Iwamura cho biết, hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 3 Nhật Bản này đã hoãn việc xây dựng nhà máy tại Thái Lan và tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế tại nước này. Hôm 8/5, người phát ngôn Honda Yuka Abe cho biết, việc xây dựng nhà máy có thể bị trì hoãn 6 tháng đến 1 năm.

Tăng trưởng giảm

Năm nay, Thái Lan có thể là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong số các nền kinh tế chủ lực tại Đông Nam Á, dự kiến GDP của Thái Lan sẽ tăng 3%, thấp hơn 5,3% của Indonesia và 6,5% của Philippines. Thái Lan cũng là nước duy nhất được các nhà phân tích dự báo giảm tăng trưởng trong năm 2014.

GDP quý I năm nay của Thái Lan tăng 0,5% so với năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 2 năm qua. Trái lại, tăng trưởng của người láng giềng Malaysia đạt 5,7%.

Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-Ola hôm 15/5 cảnh báo rằng quân đội có thể sử dụng vũ lực nếu bạo lực phản đối leo thang. Ông này cũng cho rằng một cuộc đảo chính quân sự không phải là giải pháp cho bế tắc chính trị hiện nay và cần tìm ra giải pháp pháp lý.

“Lợi thế cạnh tranh của Thái Lan vẫn còn, điều này là rõ ràng, nhưng khoảng cách giữa Thái Lan và các nước khác về việc cung cấp cơ sở sản xuất không còn được như xưa. Đó là một lý do khác giải thích tại sao bất ổn chính trị lần này đang gây ra những biến động lớn hơn”, Mizuho’s Varathan cho biết.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới