Hủy
Thế giới

Trung Quốc và bẫy đô-la Mỹ: Muốn thoát, vẫn còn cách

Thứ Bảy | 17/08/2013 20:30

Paul Krugman từng cho rằng: “Trung Quốc đang tự đi vào một cái bẫy USD, mà không bao giờ thoát khỏi được”. Thực ra, ông chỉ đúng một nửa.
 

Sơn lại quốc kỳ Mỹ bằng Ngũ Tinh Hồng Kỳ

Mới vài năm trước, Trung Quốc vẫn còn đang “rục rịch” soán ngôi kinh tế Mỹ bằng những phát ngôn đầy hào sảng, hàng loạt những dự báo được đưa ra về thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ để thành nền kinh tế số một thế giới.

Những người mơ hồ thường hay cả tin vào những bằng chứng Trung Quốc đưa ra. Đó là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, hay thậm chí có bài viết gần đây vẫn còn bị ám ảnh đến mức vẫn còn ca ngợi sự giảm giá của đồng nhân dân tệ đã giúp Trung Quốc đạt thặng dự thương mại và kho dự trữ khổng lồ như thế nào. Vấn đề trên lạc thời ở chỗ, đồng nhân dân tệ đang mạnh lên từng ngày, thặng dư thương mại cũng không phải con át chủ bài để Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những thập kỷ trước.

Đừng bị những gì “khổng lồ” của Trung Quốc đánh lừa. Ngay cả kho dự trữ ngoại tệ 3500 tỷ USD (tính đến tháng 6/2013) - một con số khổng lồ, có thể khiến bất kì quốc gia nào không khỏi “thèm thuồng”. Nhưng như thường lệ, nắm giữ càng nhiều - trách nhiệm càng lớn.

Gafin

Khó rũ bỏ đô-la Mỹ

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm thay đổi thói quen dự trữ ngoại hối của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Nhìn chung, xu thế chủ yếu là giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, với những giỏ tiền tệ đa dạng hơn.

Đối với Trung Quốc, nhìn vào tỷ lệ có tới khoảng 2/3 kho dự trữ ngoại tệ được tính theo mệnh giá USD, rõ ràng Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và ngoài mục đích chung trên, Trung Quốc còn muốn phế ngôi USD để tạo ra trật tự tiền tệ thế giới đa cực hơn. Vậy tại sao Trung Quốc không bán tháo đồng USD và mua vào nhiều ngoại tệ khác như EUR, JPY,… để đạt được mục đích?

Bởi đơn giản, các nhà đầu tư khác cũng sẽ làm điều tương tự, bán các chứng khoán có mệnh giá bằng USD, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ nhanh chóng. Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ bùng nổ và lịch sử kinh tế sẽ ghi lại nguyên nhân bắt nguồn từ sự ích kỉ của người Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không làm thế. Hoặc nếu có bán, họ cũng sẽ chọn cách làm từ từ, chứ tuyệt đối không phải bán tháo. Bởi dự trữ ngoại hối phải đủ lớn để Trung Quốc thực hiện nhiều mục đích sâu xa khác.

Từ bỏ đồng nhân dân tệ giá rẻ

Khi giữ trong tay USD, Trung Quốc đã không lựa chọn cách dùng số tiền USD để nhập khẩu hoặc giới hạn USD chảy vào trong nước để tăng giá đồng nhân dân tệ. Làm theo cách ngược lại, Trung Quốc đã giữ đồng nội tệ thấp một cách giả tạo.

Nếu không có kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ, chắc chắn chính sách trọng thương được hỗ trợ bởi đồng nhân dân tệ bị định giá thấp đã không thành công đến thế trong thập kỷ trước. Ngược lại, xuất siêu lại bổ sung thêm vào kho dự trữ ngoại tệ ngày càng lớn.

Bên cạnh xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ lớn giúp cho quá trình nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ của Trung Quốc trở nên dễ dàng.

Thực ra, Trung Quốc muốn tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa hơn bám chặt vào xuất khẩu, như mục tiêu của chính sách kinh tế dưới thời thủ tướng Lý Khắc Cường (Likonomics) đã đề ra. Tuần trước, ông Chu Tiểu Xuyên - thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt tay vào việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách đầu tư dự trữ ngoại hối hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Likonomics đang tìm cách giải phóng người tiêu dùng Trung Quốc, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ ngày càng mạnh lên, gây bất lợi cho cán cân thương mại.

Phần bù tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc có bù đắp được thặng dư thương mại và đầu tư công đang giảm sút? Thành bại vấn đề trên cũng là sự trả lời cho câu hỏi Trung Quốc có thoát ra khỏi bẫy đô-la đang mắc phải hay không.

Muốn giảm tỷ lệ USD trong kho dự trữ, Trung Quốc cũng cần thay đổi mô hình tăng trưởng bám chặt vào xuất khẩu bằng cách tăng sức tiêu dùng nội địa. Hiện tại, tỷ lệ tiêu dùng tư nhân trên GDP tại Trung Quốc thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Đóng góp của người tiêu dùng Trung Quốc vào GDP mới chỉ đạt 36%, bằng một nửa của Mỹ, 2/3 của Châu Âu và Nhật Bản. Nếu chính phủ không có hành động thực sự mạnh mẽ, theo dự đoán của Viện MGI, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng chậm ở mức 39% GDP vào năm 2025.

Đó là cách để Trung Quốc dần dần bước ra khỏi cái “bẫy” USD do họ tự vướng vào và cũng phù hợp với con đường cải cách của thủ tướng Lý Khắc Cường. Sau thời kỳ tập trung tăng trưởng nhanh bằng đầu tư và xuất khẩu, có lẽ đã đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng, chấp nhận sống chung với thời kỳ tiền tệ không còn rẻ như trước, để thoát ra khỏi tình thế dở khóc dở cười – tiền của Mỹ nhưng vấn đề thuộc về Trung Quốc.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới