Hủy
Thế giới

Tướng La Viện: Trung Quốc có cả chủ quyền Okinawa

Thứ Tư | 10/10/2012 16:46

Tướng Trung Quốc dựa vào một tài liệu từ thế kỷ 18 khẳng định một phần lớn lãnh thổ Nhật Bản hiện tại thuộc về Trung Quốc.
 

Trong một tủ trưng bày bằng kính tại di tích Quốc Tử Giám, Bắc Kinh, một cuốn sách có niên đại từ thế kỷ 18 với các trang đã ố vàng và lối chữ triện cổ, tuyên bố phần lớn lãnh thổ Nhật Bản hiện tại thuộc về Trung Quốc.

Theo AFP, đó là sở cứ cho những người dân tộc chủ nghĩa ở nước này, trong đó có cả thiếu tướng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, La Viện (Luo Yuan).

Hai cường quốc châu Á hiện đang mắc kẹt trong những cuộc tranh cãi dữ dội liên quan tới chủ quyền một nhóm đảo hoang vắng không người ở tại biển Hoa Đông, thậm chí gây ra lo ngại về khả năng xung đột vũ trang.

Nhưng hiện ngày càng nhiều người dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc còn đi xa hơn như thế, khi tuyên bố đảo Okinawa, nơi có 1,3 triệu dân Nhật và những căn cứ quân sự lớn của Mỹ, cũng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Là đảo lớn nhất của quần đảo Ryukyu, trải dài khoảng 1.000 km từ đất liên Nhật Bản tới gần Đài Loan, Okinawa từng là trung tâm của vương quốc Ryukyu, vốn là phiên thuộc của cả các hoàng đế Trung Quốc và những lãnh chúa Nhật Bản.


Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tin vào cứ liệu lịch sử như thế này để cho rằng Ryukyu phải thuộc về Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Trong hàng trăm năm, đảo này đã phải triều cống các triều đại Minh và Thanh ở Trung Quốc, cho tới khi bị Nhật Bản sát nhập vào năm 1879. Dẫu sao, cư dân trên quần đảo Ryukyu gần gũi với Nhật Bản về mặt chủng tộc và ngôn ngữ hơn Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số người Trung Quốc lại coi các liên hệ lịch sử và văn hóa là cơ sở để tuyên bố chủ quyền và cho rằng hòn đảo này thuộc về Nhật Bản chỉ bởi di sản của chính sách xâm lược bành trướng mà nước Nhật thực hiện trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai.

"Cái này cho thấy Ryukyu là của Trung Quốc," thợ điện Zhu Shaobo vừa nói vừa chỉ vào một cuốn sách những năm 1760 từ đời Thanh trong đó có nhắc đến các du học sinh từ Ryukyu đã tới học ở Quốc Tử Giám, giờ là một khu du lịch. "Các học trò ở Ryukyu đã học chăm chỉ và nhiều người còn giỏi hơn các học sinh Trung Quốc," cuốn sách viết.

Niềm tin rằng Ryukyu thuộc về Trung Quốc đã được nhiều người Trung Quốc chia sẻ suốt nhiều năm qua, nhưng nay nhận được sự chú ý mới do tranh chấp quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây, một số người biểu tình còn mang theo các khẩu hiệu như: "Lấy lại Ryukyu" và "Lấy lại Okinawa". Chính quyền Trung Quốc không đưa ra những tuyên bố như thế, nhưng truyền thông nhà nước đã đăng nhiều bài báo và bài bình luận đặt dấu hỏi với chủ quyền Nhật Bản.

Theo AFP, trong một bài báo đăng trên truyền thông nhà nước hồi tháng Bảy, thiếu tướng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, La Viện, viết: "Vương quốc Ryukyu luôn là một nước phiên thuộc do Trung Quốc cai quản cho tới khi bị Nhật Bản sát nhập vào năm 1879."

Vương quốc này, tồn tại từ năm 1429 tới 1879, có một lịch sử phức tạp bị giằng xé giữa hai nước láng giềng hùng mạnh hơn.

Nhờ việc triều cống các hoàng đế Trung Quốc, các mối quan hệ văn hóa và thương mại giữa hai bên rất phát triển. Nhưng từ đầu thế kỷ 17, Ryukyu bắt đầu chịu nhiều áp lực từ Nhật Bản, với các đòi hỏi thần phục và triều cống.



Tình trạng độc lập trên thực tế vẫn được duy trì, nhưng Ryukyu phải chấp nhận là phiên thuộc của cả hai nước láng giềng cho tới cuối thế kỷ 19 khi một nước Nhật hiện đại hóa và hùng mạnh không còn chấp nhận tình trạng mập mờ của Ryukyu.

Không thể là cơ sở tuyên bố chủ quyền ngày nay

Các học giả phương Tây và Nhật Bản cho rằng những mối liên hệ của Okinawa với Trung Quốc không thể là cơ sở cho việc tuyên bố chủ quyền ngày nay, bởi lẽ rất nhiều quốc gia từng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời cổ đại tại châu Á, nhưng nay đều độc lập.

"Đó là một cấu trúc ảnh hưởng về văn hóa và cũng là cách đế quốc Trung Hoa kiểm soát thương mại," Gregory Smits, chuyên gia về lịch sử Ryukyu tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, phân tích.

Các chuyên gia cũng không cho rằng Bắc Kinh sẽ chính thức lên tiếng đòi chủ quyền với Okinawa.

Gavan McCormack, giáo sư danh dự ở Đại học quốc gia Australia, nói tuyên bố chủ quyền "khá là thiếu thực tế" và đó có lẽ chỉ là "một lập trường cực đoan để cố gắng lôi Nhật Bản trở lại bàn đàm phán". Jia Qingguo, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, bình luận: "Tôi không cho rằng chính quyền Trung Quốc muốn làm phức tạp thêm vấn đề vốn dĩ đã phức tạp".

Tuy nhiên, những câu hỏi vẫn được đặt ra, và điều đó làm những người như Akihiro Kinjo, một người gốc Okinawa 25 tuổi hiện đang làm quản lý cho một nhà hàng tại Bắc Kinh, không khỏi lo lắng.



Okinawa cũng là địa điểm diễn ra những trận đánh đẫm máu và ác liệt giữa quân Mỹ và Nhật Bản hồi thế chiến thứ hai. "Cha ông tôi đã trải qua chiến tranh và những câu chuyện của họ cho thấy đó là một thời kỳ khủng khiếp," Kinjo nói.

Theo thỏa ước an ninh Mỹ-Nhật, Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự quy mô lớn trên quần đảo này, được mệnh danh là "hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm" và là một trong những khu vực mang tính chiến lược sống còn trong việc khống chế Thái Bình Dương và Trung Quốc.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới