Hủy

10 năm sau WTO: Lực đỡ từ nước ngoài

Chủ Nhật | 11/06/2017 08:00

Nguồn lực nước ngoài đã góp phần đáng kể cho đà cất cánh ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
 

Năm 2017 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập WTO. Nhìn lại chặng đường một thập kỷ qua, ông Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc WTO nhận định, Việt Nam đã đạt những thành công trong tiến trình hội nhập và khai thác được nhiều lợi thế so sánh. Nhờ đó,Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân cao (6 - 6,5%), đạt tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng và nhận được nguồn vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, chỉ sau 10 năm gia nhập WTO, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng rất mạnh, từ con số 10 tỉ USD năm 2006 đã nhảy vọt lên 64 tỉ USD vào năm 2008 và hiện đạt gần 300 tỉ USD lượng vốn FDI đăng ký. Tính ra,Việt Nam đã và đang thu hút hơn 22.000 dự án FDI. Trong đó, nhiều tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như  Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,… chọn Việt Nam làm điểm đến quan trọng.

10 nam sau WTO: Luc do tu nuoc ngoai
Sau khi gia nhập WTO, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam (đơn vị tỷ USD) gia tăng rõ rệt, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Màu xanh là FDI đã đăng ký, màu vàng là FDI đã giải ngân. Ảnh: VIR

Không chỉ thu hút nguồn vốn FDI, gia nhập WTO còn mở ra những cánh cửa lớn để Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu. Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các nước được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán. Chưa kể, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA khác, trong đó RCEP được dự đoán là một FTA thế kỷ.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi. Để huy động vốn, mở rộng kinh doanh, quảng bá thương hiệu và nâng cao uy tín, các doanh nghiệp tìm cách lên sàn. Từ chỗ chỉ hơn 100 công ty (cuối 2016), đến nay số lượng công ty niêm yết chứng khoán đã gấp gần 10 lần. Đặc biệt, để có được những cam kết hậu thuẫn bền chặt hơn trong vấn đề vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản trị, tìm kiếm thị trường mới.., các công ty còn tìm cách bắt tay với nhiều đối tác nước ngoài. Hàng tỉ USD từ các công ty, tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vào doanh nghiệp Việt Nam qua con đường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hoặc đầu tư nắm giữ cổ phiếu trên sàn (vốn FII).

10 nam sau WTO: Luc do tu nuoc ngoai
Hoạt động M&A tại Việt Nam cũng tăng vọt kể từ năm 2007. Ảnh: Bloomberg

Thực tế, nguồn lực nước ngoài đã góp phần đáng kể cho đà cất cánh ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp ở Thế Giới Di Động là điển hình. Sự xuất hiện của Mekong Capital sau 7 năm (2007-2013), với vai trò cổ đông nắm hơn 32% vốn điều lệ cũng đã góp phần giúp Thế Giới Di Động đạt tăng trưởng nhảy vọt, từ 7 cửa hàng ban đầu lên hơn 1000 cửa hàng và hiện trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động lớn nhất Việt Nam, nắm giữ 39% thị phần.

Hay Domesco, một tên tuổi lớn trong ngành dược Việt Nam cũng đã mở toang cánh cửa chào đón CFR International SPA (Chile). CFR liên tục mua vào cổ phiếu DMC của Domesco và đến cuối năm 2016 thì nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Dưới sự tham gia tư vấn, hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh, quản lý chuỗi từ CFR, mà sau này là Abbott (Abbott đã mua lại CFR từ năm 2014), Domesco đã tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ, triển khai nhà máy mới theo chuẩn FDA-US của Mỹ, giúp Công ty giải quyết được nút thắt về quá tải trong sản xuất, mở rộng xuất khẩu. Từ đây, biên lợi nhuận ròng của Domesco liên tục cải thiện và đạt mức 13,1%, kết quả mà theo Domesco là cao nhất từ trước đến nay.

10 nam sau WTO: Luc do tu nuoc ngoai
Một công đoạn sản xuất tại nhà máy Domesco. Ảnh: Saigon Times

Có thể thấy, sau 10 gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng những cơ hội từ nguồn lực nước ngoài để bành trướng hoạt động, gia tăng khả năng cạnh tranh. Về phía nhà đầu tư nước ngoài cũng rất ưa thích đầu tư vào các công ty thuộc những nhóm ngành tăng trưởng tốt như bán lẻ, tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ… Đa số những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành phát triển, kinh doanh khởi sắc, có triển vọng tăng trưởng đều được nước ngoài chú ý và tìm cách săn lùng.

Nhưng nhà đầu tư nước ngoài muốn gia tăng đầu  tư vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải xem xét đến các yếu tố liên quan đến giới hạn ngành nghề. Theo Luật Đầu tư, hiện có đến 243 ngành kinh doanh có điều kiện. Đó là chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, khoáng sản, năng lượng, dầu khí, dịch vụ logistics, giáo dục, thủy sản …. Đặc biệt, ngành game cũng được xếp vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Ở những ngành này, nếu không có quy định giới hạn tỉ lệ sở hữu cụ thể thì sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là 49%, một mức sở hữu đủ để nước ngoài không thể chi phối đến doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quan sát chung, phần lớn các doanh nghiệp muốn tìm đối tác chiến lược cùng ngành, có thể hậu thuẫn, giúp Công ty đạt đến khả năng phát triển vượt trội hơn và đứng vững trên thương trường. Một bắt tay win-win sẽ mang lại lợi ích cho mọi bên, không chỉ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia rót vốn mà còn cho cả cổ đông. Điều này khác với suy nghĩ tiêu cực của một số ít người rằng mở cửa thị trường chỉ dẫn đến chuyện mất doanh nghiệp VN vào tay nước ngoài.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới