Hủy

10 sự kiện nổi bật ngành tài chính ngân hàng Việt Nam 2014

Thứ Năm | 01/01/2015 13:31

"Đại án", "sáp nhập", "bắt giữ"...là những từ khóa của 365 ngày qua.
 

Năm 2014 được đánh giá là một năm thành công trong hoạt động điều hành chính sách, quản lý hoạt động tiền tệ ngân hàng của Việt Nam.

Mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng cao...là những điểm sáng được kể đến. Năm qua cũng là năm của nhiều kế hoạch sáp nhập, xét xử nhiều "đại án", xử lý sai phạm...

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao

Mặt bằng lãi suất năm qua đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối 2013. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm. Hiện lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn và trung dài hạn ở mức 9-10%/năm.

Đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cũng làm giảm rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Tỷ giá VND/USD năm qua chỉ biến động hơn 1% so với đầu năm, có xu hướng chung ổn định. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục với trên 35 tỷ USD.

Việt Nam được Fitch và Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm

 

Trên cơ sở kinh tế vĩ mô cải thiện, triển vọng tăng trưởng tốt, hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's và Fitch đã lần lượt nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên 1 bậc với triển vọng ổn định.

Đặc biệt, quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB- của Fitch diễn ra chỉ vài ngày trước khi Việt Nam phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế đã góp phần không nhỏ vào thành công của đợt phát hành này.

Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu tháng 11, Việt Nam đã lần thứ 3 phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế. 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã được phát hành nhằm đảo nợ, hoán đổi 2 loại trái phiếu đáo hạn 2016 và 2020.

Lãi suất 4,8%/năm của đợt phát hành này là mức lãi suất thấp nhất mà Việt Nam từng đạt được trong hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế.

Trên cơ sở thành công này, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu và báo cáo Chính phủ khả năng phát hành thêm trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ.

Chính thức ban hành Thông tư 36

 

Ngày 21/11/2014, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 36/TT-NHNN Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ 1/2/2015. Thông tư này được đánh giá là bước tiến lịch sử trong hoạt động quản lý của NHNN.

Những vấn đề quan trọng được quan tâm nhất trong thông tư 36 này là các quy định liên quan tới an toàn vốn, thanh khoản, tín dụng và sở hữu chéo của các ngân hàng.

Thông tư 36 được xem là một ngưỡng cản an toàn, không để "tái phát" những vấn đề về nợ xấu, tiền đề để áp dụng các bộ quy ước quốc tế như Basel II khi đưa ra các giới hạn về tỷ lệ an toàn vốn, giới hạn cấp tín dụng, dự trữ thanh khoản... các điều kiện để được cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, công ty tài chính, công ty liên kết...

Thông tư 36 cũng siết chặt quy định về sở hữu chéo giữa các ngân hàng khi chỉ cho phép ngân hàng nắm giữ cổ phần của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác và cũng không được quá 5% vốn, cũng như không cử người tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng khác.

Sau khi Thông tư 36 được ban hành, nhiều cơ quan tổ chức đã có ý kiến, kiến nghị NHNN cần xem xét lại lộ trình thực hiện thông tư này, có thể kể đến như nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), Hiệp hội kinh doanh chứng khoán...

Xét xử "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa (Nguồn: Tuổi trẻ)
Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa (Nguồn: Tuổi trẻ)

Cuối tháng 1, Tòa án Nhân dân TPHCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân, 22 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù giam.

Đây là vụ án được quan tâm bởi Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank đã cùng các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng. Vụ án liên quan tới các ngân hàng VietinBank, ACB, Navibank, VIB.

Hiện nay, phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền như cùng đồng phạm vẫn đang diễn ra.

Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại tòa phúc thẩm
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại tòa phúc thẩm (Nguồn: CAND)

Đây là vụ án gây sự chú ý bởi các bị cáo đều là lãnh đạo cao cấp của ngân hàng TMCP Á châu (ACB).

Sau hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Kiên, cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB bị truy tố với 4 tội danh là kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế đã nhận mức án 30 năm tù giam.

Các bị cáo khác bị xét xử vì tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại ACB và một số công ty khác bị phạt tù từ 2 đến 8 năm tù giam. Trong đó, Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB bị xử 8 năm tù.

Bắt tạm giam cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB)

Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (Nguồn: Vietnamnet)
Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (Nguồn: Vietnamnet)

Nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai, nguyên Thành viên HĐQT VNCB Mai Hữu Khương bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam cuối tháng 7 trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Sau khi một loạt cựu lãnh đạo cấp cao VNCB bị bắt, NHNN đã nhanh chóng trấn an dư luận bằng các tuyên bố đảm bảo thanh khoản, hoạt động của ngân hàng này. Vietcombank cũng ngay lập tức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với VNCB, hỗ trợ vốn, hợp tác quản trị, điều hành nhằm giúp VNCB thoát khỏi khó khăn.

Đến nay, có thể nói, hoạt động của VNCB vẫn ổn định, đảm bảo an toàn, thanh khoản.

NHNN chấp nhận chủ trương sáp nhập các ngân hàng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết mục tiêu năm 2014 là tiếp tục xử lý, sáp nhập 6-7 ngân hàng. Tuy nhiên, đến hết năm, vẫn chưa có thương vụ nào diễn ra.

Hai thương vụ sáp nhập được chú ý nhất trong năm là Sacombank - Southern Bank, Maritime Bank - MDB, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã được NHNN chấp thuận chủ trương sáp nhập.

Đại hội cổ đông nhiều ngân hàng khác như SeABank, PGBank, VietABank, VietCapitalBank, DongABank, MBB cũng đã đề cập đến việc mua bán, sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.

Mới đây nhất, đại hội cổ đông bất thường 2014 ngân hàng Vietcombank cũng thông qua chủ trương sáp nhập ngân hàng khác. Ngân hàng được đồn đoán tham gia cùng Vietcombank trong thương vụ này rất có thể là SaigonBank. Một tên tuổi lớn khác là BIDV cũng được cho là đang chuẩn bị sáp nhập một tổ chức tín dụng.

Khởi tố bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm

Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ocean Bank, sinh năm 1972, Trước khi bị bắt, ông giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH).
Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ocean Bank, sinh năm 1972. Trước khi bị bắt, ông giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH).

Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn thành việc tống đạt quyết định khởi tố bị can đến ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).

Ông Thắm bị khởi tố với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Hà Văn Thắm trong thời hạn 4 tháng để phục vụ điều tra. NHNN cho biết đã tạo điều kiện để Hà Văn Thắm khắc phục sai phạm nhưng không được nên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam.

Nguyên Phó Tổng giám đốc Ocean Bank Nguyễn Văn Hoàn sau đó cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh tương tự ông Thắm.

Sáp nhập hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam

 

Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định chấp thuận cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế sau sáp nhập đối với Công ty CP Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink (Smartlink), mở đường cho thương vụ sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam.

Ngay sau đó, Banknetvn và Smartlink đã tiến hành ký kết Hợp đồng sáp nhập, hoàn tất các thủ tục cuối cùng để công ty sau sáp nhập có thể đi vào hoạt động trong quý I/2015 với cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước.

Công ty sau sáp nhập sẽ giữ tên Banknetvn, Smartlink sẽ được giữ lại như một tài sản của công ty sau sáp nhập.

Đến nay, các ngân hàng thuộc hai hệ thống Banknetvn và Smartlink chiếm tới 90% thị phần thẻ trên thị trường Việt Nam.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới