Hủy

75% thị phần Logictics trong tay nước ngoài

Thứ Tư | 26/03/2014 06:43

Các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam bị hạn chế về nguồn lực dẫn đến khả năng mở rộng và hiện đại hóa chậm chạp.
 

Tại diễn đàn Logistics 2014 diễn ra cuối tuần trước, các chuyên gia quốc tế nhận xét, mặc dù tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, khoảng 20%, nhưng lĩnh vực Logictics ở Việt Nam vẫn còn manh mún.

Các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam bị hạn chế về nguồn lực dẫn đến khả năng mở rộng và hiện đại hóa chậm chạp. Do đó, phần lớn thị trường logistics ở Việt Nam được nắm giữ bởi các công ty nước ngoài mạnh về tài chính, vượt trội về công nghệ.

Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam có khoảng 1.300 nhà cung cấp dịch vụ Logictics, trong đó chỉ có 25 doanh nghiệp nước ngoài nhưng số đơn vị ít ỏi này lại chiếm tới 75% thị phần logistics của cả nước. Thị trường logistics Việt Nam cũng được đánh giá phát triển mạnh trong thời gian tới, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ sở để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo để doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cập nhật xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới. Diễn đàn cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về những thách thức chính đối với việc nâng cao tính cạnh tranh của ngành Logictics, như quy định, điều luật khó hiểu; tình trạng tham nhũng khiến chi phí tăng…

Hồi tháng 1.2014, WB công bố báo cáo Dịch vụ kho vận hiệu quả: Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, cho biết ước tính các khoản bồi dưỡng chiếm tới 10 - 15% tổng chi phí ban đầu để xuất/nhập khẩu một container hàng.

Cụ thể, ước tính chi phí tiền bồi dưỡng cho việc thông quan và vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu dựa trên tổng lượng hàng hóa ngoại nhập năm 2012 là 134,6 triệu USD, năm 2015 là 168 triệu, năm 2020 là 250,3 triệu. Đối với xuất khẩu, năm 2012 là 126,2 triệu USD, năm 2015 là 159,9 triệu, năm 2020 là 242,4 triệu. Như vậy, tổng cộng mức phí bồi dưỡng của năm 2012 là 260,8 triệu USD, năm 2015 là 328,5 triệu và năm 2020 lên đến 492,8 triệu.

Tình trạng thông quan hàng hóa chậm không chỉ khiến doanh nghiệp mất cơ hội mà còn tốn kém chi phí. Ở Việt Nam, thông quan hàng nhập khẩu lâu hơn 3 ngày, còn hàng xuất khẩu lâu hơn 2 ngày so với Malaysia.

Báo cáo của WB còn khẳng định, dịch vụ kho vận Việt Nam đắt hơn so với các nước cùng nhóm trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Ước tính các công ty vận tải biển Việt Nam mỗi năm mất thêm 100 triệu USD do thủ tục thông quan chậm trễ dẫn đến hàng bị lưu kho lâu hơn; con số này dự tính sẽ tăng lên 180 triệu USD năm 2020.

Theo ông Luis Blancas, tác giả chính của báo cáo, tham nhũng có thể khắc phục nếu chính phủ tiến hành một số biện pháp như giảm thiểu các quy trình hải quan dựa trên giấy tờ, thông quan kỹ thuật xuất nhập khẩu...

Nguồn www.thanhnien.com.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới