Hủy

ADB: Các nước ASEAN có thể ngăn giá gạo leo thang

Thứ Năm | 30/08/2012 15:52

Để giữ cho giá gạo ổn định, ADB cho rằng các quốc gia cần thúc đẩy thương mại và mở rộng hợp tác lúa gạo trong và ngoài khu vực.
 

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quốc gia ASEAN có thể giúp thị trường gạo thế giới tránh được những cú sốc giá bằng việc tăng cường xuất khẩu gạo, giảm bớt việc theo đuổi mục tiêu tự túc lương thực, giảm các chương trình thế chấp gạo và mở rộng hợp tác về lúa gạo với Ấn Độ và Pakistan.

Thị trường gạo từ trước đến nay nhìn chung duy trì ổn định. Với mức sản lượng như hiện tại, giá gạo hứa hẹn sẽ duy trì khá vững. Đây là tin tốt trong bối cảnh giá ngô, đậu tương, lúa mỳ thế giới liên tục leo thang do hạn hán, Lourdes Adriano, chuyên gia an ninh lương thực và phát triển nông thôn của ADB nhận định.

Giả định điều kiện thời tiết và kinh tế vĩ mô ổn định, sản lượng gạo của các quốc gia ASEAN có thể tăng 1,37%/năm, tăng từ 110,5 triệu tấn niên vụ 2010-2011 lên 128,3 triệu tấn niên vụ 2011-2012. Năng suất thu hoạch tăng 1,22%/năm, diện tích trồng trọt tăng 0,15% lên gần 47 triệu ha vào năm 2022.

“Để nâng cao sự bền bỉ và đảm bảo giá gạo không tăng ngoài sự kiểm soát, các nhà làm chính sách cần suy nghĩ và hành động theo khu vực”, ông Lourdes Adriano cho biết.

Đợt giá gạo leo thang vào năm 2007-2008 một phần do các nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, còn các nhà nhập khẩu thì gấp rút mua vào. Nghiên cứu gần đây bởi ASEAN Rice Trade Forum cho thấy, việc các nước hạn chế thương mại đã đẩy giá gạo tăng 149%.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các nước nhập khẩu cần giảm bớt các mục tiêu tự túc lương thực nhằm đổi lấy cam kết không hạn chế xuất khẩu gạo từ các quốc gia xuất khẩu. Điều này mang lại lợi ích cho cả 2 bên khi các nước nhập khẩu giảm bớt được rủi ro gián đoạn thương mại, còn các nước xuất khẩu có thêm thị trường mới.

Nghiên cứu cho biết Thái Lan có khả năng lấy lại được vị thế dẫn đầu các nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh, chương trình thế chấp gạo nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân của nước này gây trở ngại cho các nhà xuất khẩu. Tính đến ngày 28/5/2012, xuất khẩu gạo của Thái Lan mới chỉ đạt 2,86 triệu tấn, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái do giá gạo Thái Lan cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu khác.

Bên cạnh đó, giá gạo Thái Lan cao khiến cho các nhà xuất khẩu nước này phải mua gạo Việt Nam với giá thấp hơn để thực hiện đơn hàng. Việc này khiến giá gạo Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây.

Ngoài ra, các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar cũng là những nước sản xuất tiềm năng với sự sẵn có về đất trồng và nguồn nước. Tuy nhiên, các quốc gia này cần được đầu tư hơn vào vận tải, cơ sở hạ tầng, hoạt động nghiên cứu phát triển để tận dụng tốt hơn các lợi thế về nguồn tài nguyên và tăng sản lượng.

Các nước ASEAN hiện đang cung cấp gạo cho châu Phi. Năm 2011, Thái Lan và Việt Nam cung cấp hơn 50% tổng gạo xuất vào châu lục này. Cùng với Ấn Độ và Pakistan, bốn quốc gia xuất khẩu gạo này có thể cung cấp đủ cho 4/5 nhu cầu gạo của châu Phi.

Nguồn ADB/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới