Hủy

Bài học cao su, cá tra và dấu hỏi về mắc ca

Thứ Hai | 20/04/2015 05:40

Liệu chúng ta có đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào hạt mắc ca ?
 

Nếu có một bình chọn về lĩnh vực kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2015, có lẽ không dòng chủ lưu nào thích hợp hơn chủ đề phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Hàng loạt các bài viết đã mổ xẻ về loại cây mới này. Chẳng còn ngóc ngách nào chưa nói về mắc ca, từ nhu cầu, giá bán, vùng trồng, kỹ thuật canh tác. Thậm chí, nhiều tờ báo dành hẳn một dòng chủ lưu và cập nhật liên tục đến việc phát triển “cây tỉ đô” của Việt Nam.

Câu chuyện về cây mắc ca bắt đầu nóng lên vào đầu tháng 2.2015 khi Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức một hội thảo chuyên đề về phát triển cây mắc ca với lộ trình triển khai đề án đầu tư cây mắc ca, dự kiến quy mô lên tới hơn 20.000 tỉ đồng trong 5 năm, bắt đầu từ năm nay.

“Từ bây giờ đến khi tạo được vùng nguyên liệu 500 ha đến 1 triệu ha thì chỉ mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Nếu đạt quy mô này, Tây Nguyên sẽ trở thành thủ phủ mắc ca của Đông Nam Á”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank, nói về nhu cầu của cây mắc ca tại hội thảo.

Về tính chất, việc đầu tư của Him Lam và LienVietPostBank vào cây mắc ca không hoàn toàn trực tiếp như nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng câu chuyện của Him Lam hiện tại cũng tương tự như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với cây cao su khoảng 5 năm trước đây, đặc biệt khi nhận định về nguồn cầu của thế giới cũng như tương lai xán lạn của loại cây mới.

Khoảng năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của HAGL, cũng từng tuyên bố: ”Bán nhà cũng trồng cao su”. Tuyên bố của bầu Đức có vẻ hợp lý ở thời điểm đó khi giá cao su luôn ở mức cao từ năm 2006-2011 (ngoại trừ khủng hoảng kinh tế năm 2008 làm giá cao su giảm sâu do ngành sản xuất ôtô thế giới, đầu ra của cao su tự nhiên, lâm vào khủng hoảng).

“Sau khi 51.000 ha cao su cho mủ, mỗi năm HAGL có thể thu hoạch 127.500 tấn mủ khô xuất khẩu mang lại doanh số khoảng 382,5 triệu USD”, bầu Đức tính toán về sự siêu lợi nhuận của dự án trồng cao su.

Không chỉ có bầu Đức, tinh thần lạc quan đó cũng lan sang nhiều ông chủ doanh nghiệp khác và cả những nông dân Việt Nam. Gemadept cũng theo chân bầu Đức sang Campuchia xin đất trồng cao su; Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Cao su Phước Hòa... đều mở rộng diện tích trồng cao su. Trong khi đó, nhiều nông dân ở các tỉnh có vùng đất đỏ được xem là thích hợp để trồng cao su như Bình Phước, Quảng Trị, Đắk Lắk... cũng đua nhau chặt các loại cây khác để trồng cao su.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy cây cao su đã không còn là một loại cây có giá trị cao như 5 năm về trước. Giá xuất khẩu cao su giảm thê thảm từ 5.000 USD/tấn năm 2008 xuống còn chưa tới 1.500 USD/tấn trong những tháng đầu năm 2015. Bây giờ nông dân lại chặt bỏ cây cao su để trồng những loại cây khác. Ngay cả HAGL hiện cũng không còn phát triển thêm diện tích cao su mới mà chỉ phát triển các loại cây khác.

Có lẽ cũng tương tự như cây cao su năm 2011, cây mắc ca hiện được xem là “ở trên đỉnh” khi hàng loạt bài viết đang ca ngợi về tính kinh tế của nó. “Với thực tế hiện nay, một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch 1 tỉ USD”, một bài phân tích nói về tiềm năng của cây mắc ca như thế.

Sẽ còn quá sớm để nhận định về khả năng thành công của cây mắc ca tại Việt Nam. Nhưng cũng giống như cao su, mắc ca hay các sản phẩm nông nghiệp khác thường có tính chu kỳ rất lớn. Và chu kỳ nông sản là chuyện không hề mới.

Lịch sử biến động giá các loại nông sản dài ngày cho thấy hiếm khi giá cả một sản phẩm nông nghiệp nào đó duy trì mức cao trong một thời gian dài. Giá cao thường mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào việc đầu tư mới và thậm chí các doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực mở rộng diện tích.

“Cây tỉ đô” - cái tên chỉ được gọi ở vùng đỉnh của một chu kỳ giá lên - đang được gắn cho cây mắc ca. Nó cũng giống như cách người ta nói về cao su là “vàng trắng” hay “con cá vàng” khi nói về cá tra.

Tuy nhiên, chu kỳ nào cũng có sự đi lên và đi xuống. Giá tăng một thời gian chắc chắn sẽ giảm. Chính sự gia tăng đột biến của vốn đầu tư chạy theo cơn sốt giá sẽ làm gia tăng nguồn cung và kết thúc mọi chu kỳ giá lên. Nguồn cung tăng nhanh sẽ đẩy quyền quyết định giá sang cho người mua.

Gần 10 năm trước, cá tra được mệnh danh là “cá vàng” của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu chiếm đến 99,9% thế giới. Lúc đó, cá tra tăng trưởng rất mạnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra ồ ạt thành lập, doanh thu xuất khẩu cá tra hằng năm lên đến cả tỉ USD. Trong khi đó, nông dân thì nhà nhà đào ao thả cá và không ít người đã đổi đời nhờ nó.

Thế nhưng, đến năm 2011 khi kinh tế bắt đầu suy giảm và cạnh tranh thị trường cũng khắc nghiệt hơn, cá tra đã lâm vào cảnh khó khăn. Mặc dù Việt Nam có lợi thế tuyệt đối nhưng nguồn cung quá nhiều và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã kéo giá bán ngày càng giảm. Nông dân càng nuôi càng lỗ và giá xuất khẩu thấp khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản mà câu chuyện của Bianfishco là trường hợp điển hình.

Cũng giống như con cá tra và những sản phẩm khác của Việt Nam, những tính toán lợi nhuận về mắc ca trong tương lai chỉ là dựa vào giá của loại hạt này ở thời điểm hiện tại. Và kết quả tất yếu như đã xảy ra với mọi ngành hàng khác là giá hạt mắc ca có thể sẽ giảm sâu và kéo dài. Các nhà đầu tư theo phong trào sẽ lại thua lỗ, phá sản và bị buộc phải rời khỏi cuộc chơi.

Trong khi đó, xét ở góc độ cung cầu, hạt mắc ca hoàn toàn không có gì đặc biệt và cũng không phải là hàng thiết yếu. Nó cũng không phải là lợi thế riêng biệt của Việt Nam. Bắt nguồn từ Úc và Hawaii, nhưng mắc ca giờ đã được trồng thành công ở nhiều quốc gia khắp các châu lục Úc, Phi, Á, Mỹ với yêu cầu kỹ thuật và chăm sóc khá đơn giản.

Tiềm năng của mắc ca, nếu có, chắc chắn không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy. Cây mắc ca chỉ cho trái từ 5 năm tuối và đạt sản lượng tối ưu từ 12 tuổi kéo dài tới hơn 50 năm. Vậy liệu sau 5 năm nữa giá có còn là 15 USD/kg như hiện tại khi diện tích trồng mắc ca ở các nước và ở Việt Nam được khai thác mạnh mẽ?

Nhận xét về ý kiến “20 năm tới cũng chưa phải lo chuyện dư thừa loại hạt này”, Giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng, tính toán cung cầu như vậy chỉ đúng nếu giá hạt mắc ca sẽ rẻ tới mức có thể cạnh tranh thị phần với hạt điều hay thậm chí hạt lạc. Khi ấy người Việt và người dân toàn thế giới thay vì ăn các loại hạt phổ biến khác sẽ dùng mắc ca thay thế. Thế nhưng, lúc đó liệu còn ai có lãi và còn ai trồng mắc ca ?

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới