Hủy

"Bán nợ cho VAMC không có nghĩa là ngân hàng đã hết trách nhiệm"

Thứ Sáu | 24/05/2013 10:56

Tuy bán nợ cho VAMC, nhưng mỗi năm, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC.
 

VAMC không mua đứt, bán đoạn

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT độc lập OceanBank, VAMC có thể mua lại nợ xấu theo giá thị trường, hoặc mua theo giá trị sổ sách (nợ gốc), nhưng tại thời điểm này, VAMC sẽ ưu tiên mua nợ xấu theo giá trị sổ sách.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, sau khi VAMC ra đời, nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sẽ nhanh chóng chuyển sang công ty này, giúp làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, đồng thời doanh nghiệp bán nợ cho VAMC sẽ được vay vốn. Cụ thể, VAMC ra đời sẽ xử lý được một phần đáng kể nợ xấu (khoảng 100.000 tỷ đồng).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bán nợ cho VAMC, ngân hàng có lợi. Bởi thay vì vừa phải trích lập dự phòng rủi ro mà nợ xấu vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản, thì bán nợ cho VAMC, nợ xấu được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản. Thời gian đầu, sau khi bán nợ, ngân hàng giảm bớt được áp lực từ nợ xấu, khi cần tiền, thì mang trái phiếu lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiết khấu.

Nhưng xử lý nợ xấu không đơn giản như vậy, vì đây không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng. Tuy bán nợ cho VAMC, nhưng mỗi năm, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Đồng nghĩa, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị sụt giảm rất mạnh, thậm chí ăn mòn cả vốn điều lệ. Đây là lý do có thể nhiều ngân hàng sẽ không muốn bán nợ cho VAMC, mà muốn ôm nợ, giấu nợ để giảm áp lực thua lỗ với cổ đông.

Còn nếu NHNN quyết liệt làm rõ nợ xấu, bắt ngân hàng bán nợ xấu theo đúng quy định, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khả năng xấu nhất xảy ra là có thể một số ngân hàng sẽ phá sản.

Chưa kể, với cơ chế mua bán nợ của VAMC, TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, VAMC chỉ giãn thời gian xử lý nợ xấu, chứ khó giải quyết tận gốc nợ xấu. Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Xử lý nợ xấu mà không mất tiền là rất khó. Tôi cho rằng, việc xử lý nợ xấu tốn rất nhiều tiền và mất không ít thời gian”, TS. Thiên nói.

Khẩn cấp bơm tiền trả nợ cho doanh nghiệp

Bên cạnh việc thành lập VAMC, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ phải tập trung xử lý nợ xấu xây dựng cơ bản. Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nợ xấu xây dựng cơ bản hiện nay khoảng 200.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi nhận được dự án từ Trung ương hoặc địa phương đã phải vay vốn để tiến hành dự án, sau đó đợi ngân sách Trung ương và địa phương trả nợ. Tuy nhiên, việc ngân sách chậm trả nợ khiến doanh nghiệp khó khăn do vướng vào nợ xấu. Nếu nợ đọng xây dựng cơ bản được giải quyết, doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng, dòng vốn sẽ lưu thông”.

Đồng quan điểm, TS. Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, biện pháp tốt nhất để xử lý nợ xấu, gỡ tắc tín dụng hiện nay là Nhà nước phải khẩn cấp bơm ra 200.000 tỷ đồng để trả nợ cho doanh nghiệp. Việc này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, tạo sức lan tỏa lớn.

TS. Trần Đình Thiên cũng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ nên hạn chế giải ngân đầu tư các dự án mới, ưu tiên rót vốn trả nợ doanh nghiệp. Ít nhất trong số 100.000 tỷ đồng nợ doanh nghiệp, Chính phủ phải nhanh chóng trả nợ 50.000 tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank, việc thành lập VAMC là rất cần thiết. Công ty sẽ nhanh chóng gom nợ xấu vào một chỗ, từ đó ngân hàng mới cho vay mới được. “Tuy nhiên, bên cạnh mua lại nợ xấu, VAMC cũng cần đứng ra bảo lãnh các khoản vay, thì ngân hàng mới mạnh dạn bơm vốn”, ông Hưởng đề nghị.

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới