Hủy

Bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương 2.000 tỷ đồng

Thứ Ba | 26/11/2013 21:26

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương 5 năm, giá 2.004 tỷ đồng.
 

Theo quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương giai đoạn 1 của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/1/2014, công ty Yên Khánh sẽ được thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa. Công ty này có trách nhiệm thanh toán số tiền 2.004 tỷ đồng thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng. Trong đó, 40% giá trị hợp đồng được trả ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực.

cao-toc-9140-1385463394.jpg

Quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương được bán cho Công ty Yên Khánh trong vòng 5 năm với giá hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Công

Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Cửu Long CIMP) có trách nhiệm ký kết và quản lý hợp đồng, thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận người lao động tại các trạm phu phí trên tuyến đường. Đồng thời, giao Tổng cục đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với 2 đơn vị trên thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản, trang thiết bị tại trạm thu phí này.

Trước đó, khi cao tốc TP HCM - Trung Lương vừa hoàn thành, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã đàm phán mua quyền thu phí tuyến đường với giá hơn 9.100 tỷ đồng trong 25 năm. Tuy nhiên, do khó khăn trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp nên cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua nữa.

Được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cửu Long CIPM thu phí từ ngày 25/2/2012, đồng thời chỉ đạo tìm kiếm nhà đầu tư muốn mua lại quyền thu phí đường cao tốc để lấy tiền đầu tư các dự án khác. Năm đầu tiên số tiền thu phí cao tốc đạt khoảng 380 tỷ đồng và Tổng công ty này đã chi 65 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng tuyến đường.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 62 km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/h, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ôtô được thông xe ngày 3/2/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đến Tiền Giang chỉ còn 30 phút, thay vì 90 phút trước kia. Tuy nhiên, sau chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện rất nhiều "ổ voi", "ổ gà". Sau khi Thanh tra Bộ Giao thông vào cuộc, tuyến đường đã được sửa chữa.

Nguồn Vnexpress.net


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới