Hủy

Bất ngờ trong vụ xử “bầu” Kiên: Bị hại thay đổi lời khai

Thứ Ba | 27/05/2014 09:36

Cáo trạng nêu ông Kiều Chí Công (Công ty Thép Hòa Phát) đã làm đơn tố cáo bầu Kiên, nhưng hôm nay ông này lại khẳng định "không tố cáo ai cả".
 

Trong các buổi làm việc trước đó, liên quan đến cáo buộc “bầu” Kiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc - đều khai trước tòa không biết Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) của “bầu” Kiên thế chấp cổ phần (CP) Thép Hòa Phát tại ACB nên mới quyết định mua lại số CP này.

Phía công tố cũng khẳng định, Công ty ACBI sở hữu gần 30 triệu CP của Công ty CP Thép Hòa Phát. Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu CP này cho ACB để bảo đảm việc phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu.

Tháng 4-2012, hai ông Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương, đề nghị ACBI bán lại 20 triệu CP Thép Hòa Phát nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn tại các công ty thành viên.

ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu CP của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB nhưng không được đồng ý. Sau đó, "bầu" Kiên chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống biên bản họp HĐQT và ký hợp đồng bán 20 triệu CP Thép Hòa Phát cho Công ty Thép Hòa Phát với giá 264 tỉ đồng.

Trước lời khai của hai ông Long, Dương, "bầu" Kiên vẫn một mực cho rằng việc ACBI thế chấp CP, cả hai ông này đều biết rõ.

Tuy nhiên, sáng 26-5-2014, khi luật sư đặt câu hỏi, ông Mai Văn Hà - Phó tổng giám đốc Công ty Thép Hòa Phát - xác nhận biết rõ việc số CP này đang được thế chấp tại công ty chứng khoán của ACB (ACBS). Ông Hà khẳng định, chính ông ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu CP bị thế chấp cùng với ACBI, nhưng sau khi ký xác nhận lại quên không thông báo với hệ thống văn thư nên phía công ty không biết.

Cáo trạng cũng nêu ông Kiều Chí Công (Công ty Thép Hòa Phát) đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của "bầu" Kiên, nhưng trong ngày làm việc thứ 6 ông này lại khẳng định: "Tôi không tố cáo ai cả. Trong đơn, tôi yêu cầu cơ quan điều tra thu hồi tiền của ACBI chứ không phải của ông Nguyễn Đức Kiên vì công ty ký hợp đồng với ACBI, không ký với ông Kiên. Đến nay, Công ty Thép Hòa Phát đã thu hồi được toàn bộ 264 tỉ đồng và chúng tôi không đòi thêm khoản nào từ ACBI trong phiên tòa".

Trả lời luật sư, ông Dương nói: "Sơ suất không phải là phía tôi mà do anh Hà đã ký phong toả nhưng tôi không được biết".

Trước tòa, một lần nữa "bầu" Kiên đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trần Ngọc Thanh - đại diện ACBI trong vụ bán CP cho Công ty Thép Hòa Phát.

"Anh Thanh và chị Yến (kế toán trưởng ACBI) vì tin tưởng tôi nên đã làm những việc tôi yêu cầu. Ở ACBI, tôi là cổ đông chính nên có quyền quyết định tất cả. Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cá nhân với tư cách là chủ tịch HĐQT công ty trong mọi trường hợp. Phía ACBI không có sai sót nào, mà xuất phát từ phía Công ty Thép Hoà Phát. Sai sót này mang tính nghiệp vụ" - "bầu" Kiên trình bày.

Trong buổi chiều 26-5, trước câu hỏi của các luật sư, "bầu" Kiên nói: "Tôi hoàn toàn tin anh Long biết số CP đang được thế chấp tại ngân hàng. Tôi không thiếu tiền để phải chiếm đoạt của người khác trong bất kỳ trường hợp nào. Thứ hai, tôi không thể chiếm đoạt tiền của Tập đoàn Hoà Phát vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép. Với tư cách chủ tịch công ty, tôi đã yêu cầu ACB phải họp với tôi để tiến hành giải chấp CP".

Luật sư đặt câu hỏi: "Trong trường hợp ACB không giải chấp số 20 triệu cổ phiếu anh sẽ có phương án gì?", "bầu" Kiên trả lời: "Nếu anh Long không phải bạn tôi thì có thể xác định ngay với cơ quan điều tra tôi là bị hại trong trường hợp mua bán cổ phiếu giữa ACBI và Công ty CP Thép Hoà Phát vì 2 lý do.

Thứ nhất, phía Hoà Phát đã tự động xác nhận chuyển nhượng khi không đủ điều kiện. Thứ hai, Công ty Thép Hoà Phát đã đăng ký sở hữu CP khi chưa chuyển tiền cho ACBI. Tôi hoàn toàn có quyền kiện Công ty Thép Hoà Phát về điều này. Tuy nhiên tôi nghĩ đây chỉ là một sai sót rất nhỏ trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thật sự tôi không có nhu cầu bán CP tại Công ty Thép Hoà Phát vì đây là một dự án tốt, đang có lãi và rất có tương lai. Nhưng tôi đồng ý việc này vì tôi cho rằng đây là sự giúp đỡ của tôi với anh Long như bạn bè".

Về cáo buộc trốn thuế, "bầu" Kiên cho rằng giám định viên (GĐV) của Bộ Tài chính đã có những sai sót cơ bản. Theo bị cáo, giám định thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên tất cả hợp đồng của doanh nghiệp trong năm đó và phải căn cứ vào quy định của pháp luật tại thời điểm đó.

Ví dụ, GĐV kết luận công ty phải nộp 25 tỉ tiền thuế năm 2009 nhưng GĐV quên mất thời điểm này, Bộ Tài chính có văn bản miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi B&B được xác định là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời điểm 2009 B&B còn được miễn giảm 30% thuế thu thập. Nếu chỉ căn cứ vào 5 văn bản cơ quan điều tra cung cấp thì GĐV không thể kết luận chính xác B&B có trốn thuế không.

Theo "bầu" Kiên, có hai tài liệu quan trọng mà cơ quan điều tra đã không chuyển cho GĐV và Tổng cục Thuế là phụ lục hợp đồng của B&B với bà Hương, biên bản xác nhận số lỗ của B&B vào ngày 31-12-2009là 268 tỉ đồng.

Nếu như hợp đồng của bà Hương (em gái "bầu" Kiên với Công ty B&B bị cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án tuyên vô hiệu thì Công ty B&B căn cứ vào quyết định của tòa án sẽ phải điều chỉnh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong năm 2009 B&B lỗ 168 tỉ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước tòa, "bầu" Kiên cho rằng không hiểu vì sao bị bắt về hành vi cố ý làm trái. Chứng minh cho điều này, bị cáo khai, từ 1993 đến 2008 hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của ACB. Sau 2008 đến thời điểm bị bắt, bị cáo chỉ tư vấn cho HĐQT trong hoạt động điều hành, điều này không có giá trị gì trong việc đưa ra các quyết định của Thường trực HĐQT hoặc ban điều hành.

Nguồn Công An Nhân Dân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới