Hủy

Bộ Công thương: Dân thiệt thòi vì giá xăng “một mình một chợ”

Chủ Nhật | 31/08/2014 21:22

Giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước, thậm chí là vẫn tồn tại kiểu “một mình một chợ”, khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
 

Đánh giá trên được đưa ra tại một báo cáo của Bộ Công thương về tình hình thị trường xăng dầu vừa được công bố.

Theo Bộ Công thương, trong tháng 7/2014 lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam là 872,13 nghìn tấn, trị giá 847,21 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 5,4 % về trị giá so với tháng 6.2014. Tính chung 7 tháng, cả nước đã nhập khẩu gần 5,49 triệu tấn xăng dầu, với trị giá nhập khẩu hơn 5,21 tỷ USD, tăng 28,1% về lượng và 29,6% về trị giá, so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu trong nước bao giờ thoát cảnh "một mình một chợ"?

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với gần 1,9 triệu tấn, tăng 48,06%; Trung Quốc là 954 nghìn tấn, tăng 28,6%; Đài Loan là 852 nghìn tấn, tăng 18,33%; Hàn Quốc là 499 nghìn tấn, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung trong 20 lần cơ quan điều hành điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu, riêng mặt hàng xăng có 5 lần điều chỉnh tăng và 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, trong đó có 3 lần giảm trong tháng 8/2014.

Với 5 lần tăng, xăng có tổng cộng giá trị tăng là 1.450 đồng/lít và 4 lần giảm, tổng mức giảm là 1.900 đồng/lít. Như vậy, qua 4 lần giảm giá xăng liên tiếp gần đây, thì mới “bù” được 5 lần tăng giá mặt hàng này trước đó.

Dù nhập khẩu lượng lớn xăng dầu dể đảm bảo cầu trong nước, song theo cơ quan quản lý ngành thương mại, thì giá xăng trong nước vẫn đi “chệch quỹ đạo” so với giá thế giới. Thậm chí, vẫn tồn tại kiểu “một mình một chợ”, khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.

Bởi, về mặt lý thuyết, giá xăng, dầu được điều hành theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ, tuân thủ nguyên tắc hài hòa quyền lợi của 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng, thực trạng giá xăng tăng nhanh, giảm chậm khiến dư luận không ngừng đặt dấu hỏi xung quanh việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này.

Nghịch lý là ở chỗ, chỉ cần giá xăng dầu thế giới nhích lên một chút là các doanh nghiệp đã ngay lập tức "kêu gào” đòi nâng giá nội địa. Và ngay lập tức được nhà quản lý chấp thuận. Thế nhưng, khi giá thế giới giảm thì doanh nghiệp và cơ quan quản lý rất chậm trong việc sẽ giảm giá nội địa. Vì sao?

Một trong những nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước thường trong tình trạng "một mình một chợ" so với giá thế giới, Bộ Công thương nhận định, là do quy định lấy giá bình quân 30 ngày để làm căn cứ tính giá cơ sở, trong khi thế giới lại điều chỉnh giá xăng dầu hàng giờ.

Bất cập trong cách tính giá cơ sở đã được cơ quan điều hành nhận thấy và đưa ra đề xuất sửa đổi trong dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84.

Cụ thể, dự thảo quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/lần thay vì 10 ngày/lần như Nghị định 84; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày như cách tính cũ. Với các điều chỉnh này sẽ tăng cường tính cạnh tranh giá giữa các thương nhân, đồng thời bảo đảm giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới.

Về biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, Dự thảo Nghị định quy định, khi giá cơ sở tăng dưới 3% DN được tự điều chỉnh giá; tăng từ 3-7% DN được sử dụng Quỹ bình ổn và được tăng hoặc giảm giá bán lẻ; tăng từ 7% trở lên sẽ do Chính phủ quyết định thay vì các biên độ từ 7% trở xuống, trên 7-12%, trên 12% như Nghị định 84.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng cho phép thương nhân thực hiện giảm giá bán lẻ ngay khi giá cơ sở giảm, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm.

Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hiện bản dự thảo Nghị định cuối cùng mới được hình thành. Và thị trường, người dân vẫn cần chờ thêm 1 thời gian nữa thì văn bản này mới có thể được ban hành.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới