Hủy

Bộ Công Thương nói gì về thị trường cạnh tranh điện, than và xăng dầu?

Thứ Bảy | 26/10/2013 16:00

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa.
 

Trong bản trả lời chất vấn trước đại biểu tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Việt Nam đã có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững.

Đối với ngành điện: Ngày 1/7/2012, Thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành chính thức. Sau hơn 1 năm vận hành, Thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả bước đầu: Tạo ra các tín hiệu tốt để thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực phát triển nguồn điện; tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện; giá điện được hình thành theo quy luật cung cầu khách quan;

Đồng thời với việc xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện, việc cải tổ ngành điện, tái cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc đưa thị trường điện vào hoạt động cũng được khẩn trương thực hiện để đảm bảo vận hành thị trường điện đạt hiệu quả cao.

Về nguyên tắc, với tính chất độc quyền tự nhiên, khâu truyền tải điện sẽ được nhà nước giữ độc quyền để đảm bảo an ninh cung cấp điện theo quy định tại Luật Điện lực.

Các khâu phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện sẽ được tiếp tục thị trường hóa nhằm thu hút, đa dạng hóa nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Quá trình từng bước giảm tính độc quyền kinh doanh điện, tái cấu trúc ngành điện đã đạt được một số bước tiến quan trọng: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập năm 2008 do nhà nước sở hữu 100% vốn; 5 Tổng công ty Điện lực được thành lập năm 2010 sẽ độc lập trong giai đoạn bán buôn cạnh tranh (dự kiến năm 2015); với 3 Tổng công ty phát điện (GENCOs) được thành lập năm 2012, hoạt động hạch toán độc lập, trong thời gian tới sẽ tách độc lập hoàn toàn và được cổ phần hóa theo yêu cầu của Chính phủ;

Đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong giai đoạn tiến tới vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Trung tâm này sẽ được chuyển đổi theo hướng thành đơn vị hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước với chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện, qua đó đảm bảo tính độc lập không trùng lợi ích với các đơn vị bán điện và mua điện.

Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức của các đơn vị trong thị trường điện và lộ trình tái cơ cấu ngành điện từng bước vững chắc, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện.

Đối với ngành xăng dầu : Đến hết năm 2012, trên thị trường đã có 13 thương nhân đầu mối tham gia xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (có 1 thương nhân đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu bay), trong đó, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho 6 thương nhân mới; thu hồi và ngừng cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 2 thương nhân đầu mối.

Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, vì vậy, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa.

Năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo đó, có 8 đợt điều chỉnh giá xăng dầu (đợt điều chỉnh ngày 28 tháng 3, ngày 09 tháng 4, ngày 18 tháng 4, ngày 26 tháng 4, ngày 14 tháng 6, ngày 28 tháng 6, ngày 17 tháng 7, ngày 22 tháng 8 năm 2013) bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới, Nhà nước thực hiện việc giám sát, kiểm tra và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ Bình ổn giá, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp,...).

Trong bối cảnh giá thế giới đối với xăng dầu thành phẩm có giai đoạn liên tục biến động theo xu hướng tăng, giá trong nước tuy được điều hành có tăng, có giảm nhưng cơ bản là giữ ổn định thông qua các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước.

Khi giá thế giới hạ, cơ quan quản lý nhà nước kết hợp giữa giảm giá bán lẻ với khôi phục các công cụ đã dùng để bình ổn giá (thuế, Quỹ Bình ổn giá…) để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đồng thời có thêm điều kiện để sử dụng công cụ bình ổn trong trường hợp cần thiết.

Hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 8339/TTr-BCT ngày 1/ 9/2013.

Đối với ngành Than: Để điều chỉnh giá than bán cho điện tiến dần đến giá thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện giá than bán cho sản xuất điện tại Thông báo số 246/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

Trong quý I hoặc đầu quý II năm 2013 điều chỉnh tăng giá than bán cho sản xuất điện lên mức bù đắp được giá thành toàn bộ năm 2011 (đã được kiểm toán); trong quý III năm 2013 giá than bán cho sản xuất điện bù đắp được giá thành toàn bộ năm 2013, tối đa bằng giá than xuất khẩu cùng chủng loại tại thời điểm điều chỉnh; năm 2014 và năm 2015 giá than bán cho sản xuất điện bù đắp được giá thành toàn bộ tương ứng của các năm 2014, 2015 cộng với mức lợi nhuận hợp lý, tối đa bằng giá than xuất khẩu cùng chủng loại tại thời điểm điều chỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong việc nghiên cứu tính toán, đề xuất thời điểm điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh bằng giá thành toàn bộ năm 2013.

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới