Hủy

Bộ GTVT kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp năm 2015

Thứ Năm | 15/01/2015 15:07

Năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 143 doanh nghiệp của cả nước.
 

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), năm 2015, Bộ có kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp gồm 2 Công ty mẹ - Vinalines, Cảng hàng không Việt Nam; 2 công ty con của Vinalines, 7 công ty con của SBIC; Bệnh viện GTVT Trung ương, 1 công ty con của Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc, 1 công ty thuộc Bộ.

Đồng thời, triển khai thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp gồm 3 Công ty mẹ - Tổng công ty: Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long, SBIC; 1 công ty con của VEC, 24 công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 1 Công ty con của Vinalines, các đơn vị sự nghiệp là các Bệnh viện, Trung tâm y tế thuộc Cục Y tế GTVT.

Năm 2014, Bộ GTVT đã thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc các Tổng công ty và thoái vốn nhà nước tại 2 công ty mẹ - Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 1.098 tỷ đồng.

Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa 10 Công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ theo đúng kế hoạch được phê duyệt, bao gồm các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Tư vấn thiết kế GTVT, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy.

Trong đó, phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngày 14/11/2014 đã phát hành thành công trên 49 triệu cổ phần (3,475% vốn điều lệ) thông qua đấu giá công khai. Dự kiến cuối quý I/2015 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, quý II/2015 sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Đối với 10 Công ty mẹ - Tổng công ty, sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp chuyển từ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu. Thông qua cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tăng 17,21%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 18,3%. Năng suất lao động tăng nhanh, doanh thu tăng 10,27%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 13,21%.

Ngoài ra, trong năm 2014, Bộ cũng đã cổ phần hóa 3 Công ty mẹ - Tổng công ty và 50 công ty, đơn vị sự nghiệp. Cụ thể, đã thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho 50 doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa 39 doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó 37 doanh nghiệp đã hoàn thành IPO.

Các doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015. Như vậy, năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 143 doanh nghiệp của cả nước, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết, tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã hoàn thiện phương án tái cơ cấu nợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Tổng công ty đã thực hiện giải thể, dừng hoạt động 5 doanh nghiệp; sáp nhập 1 doanh nghiệp; thực hiện các thủ tục để phá sản 2 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn tại 27 doanh nghiệp, trong đó thoái vốn triệt để và giảm đầu mối được 22 doanh nghiệp. Tổng số tiền thu về đạt 532 tỷ đồng, số lượng còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2015 theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Căn cứ tình hình thực tế triển khai Đề án và đề xuất của Tổng công ty, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh một số nội dung của Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Bộ cho biết đã hoàn thành việc rút vốn thương hiệu tại 61/66 doanh nghiệp; giảm đầu mối được 50/236 đơn vị. Tổng số lao động đã được giải quyết chế độ từ tháng 4/2013 (thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu) đến nay là 10.941 người. Đối với số lao động còn lại trong các doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình Tổng công ty, Bộ chỉ đạo Tổng công ty tiếp tục tái cơ cấu cùng với lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ đã tập trung chỉ đạo Tổng công ty thực hiện rà soát toàn bộ tình hình tài chính, công nợ, lao động, tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị thành viên; phê duyệt Đề án tái cơ cấu 8 đơn vị thành viên được giữ lại trong mô hình theo hướng thu gọn mô hình tổ chức, chỉ giữ lại nhà máy đóng tàu trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện cổ phần hóa 7 doanh nghiệp.

Tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng có chuyển biến khá tích cực và đạt được một số nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nổi bật là việc sắp xếp lại các doanh nghiệp khối vận tải phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định.

Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa Công ty In Đường sắt và Công ty In Đường sắt Sài Gòn; hoàn thành thoái vốn tại 5/13 doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt và xây dựng phương án thoái vốn tại 14 doanh nghiệp còn lại; xây dựng phương án sắp xếp, cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí và khối kết cấu hạ tầng; tách công tác quản lý kết cấu hạ tầng với quản lý vận tải.

Nguồn DVO/MT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới