Hủy

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Lạm phát thấp không có gì đáng lo ngại

Thứ Hai | 29/12/2014 09:10

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng thấp không phải do sức cầu của nền kinh tế yếu, không có biểu hiện giảm phát…
 

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2015, báo cáo  về tình hình kinh tế năm 2014, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013; bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng thấp không phải do sức cầu của nền kinh tế yếu, không có biểu hiện giảm phát, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; chỉ số giá giảm chủ yếu do: Giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng; Nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên  chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm trước; Giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý, thấp hơn so với những năm trước; Giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới và trong nước cơ bản ổn định.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều bước chuyển tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước; trong đó: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 15,2%; khu vực trong nước tăng 10,4% so với năm trước (năm 2013 tăng 3,5%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Xuất siêu cả năm gần 2 tỷ USD, bằng khoảng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thu NSNN đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, vượt kế hoạch đề ra; chi NSNN thực hiện theo dự toán được giao: Tính đến ngày 15/12/2014, tổng thu NSNN ước đạt 814,1 nghìn tỷ đồng, vượt 4% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt 968,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán năm.  

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước, bằng 31% GDP.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cả năm 2014 ước đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Số dự án cấp mới tăng 24,5% với số vốn đăng ký cấp mới tăng 9,6% so với năm trước; số lượt dự án tăng vốn tăng 25,8%. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thu hút vốn FDI của nước ta, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của nước ta tiếp tục được giữ vững.

Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá: Ước giải ngân cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với năm trước.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,06%; Quý II tăng 5,34%; Quý III tăng 6,07%; Quý IV tăng 6,96%) và cả năm ước đạt 5,98%, cao hơn hai năm trước (2012: 5,25%; 2013: 5,42%); sau 3 năm, đây là năm đầu tiên tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều thuận lợi, đạt kết quả khá tốt. Tăng trưởng khu vực này cả năm đạt 3,49% cao hơn mức 2,63% của năm 2013 nhờ tăng trưởng cả 3 ngành nông, lâm, thủy sản cao hơn năm trước.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,9% so với năm trước (năm 2013 tăng 3%); trong đó: nông nghiệp ước tăng 2,9%; lâm nghiệp ước tăng 7,1%; thủy sản ước tăng 6,8%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, cả năm tăng 7,14% (năm 2013 chỉ tăng 5,43%), đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cao hơn năm trước: Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,6% (năm 2013 tăng 5,9%). Trong năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng khá, chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm tăng 8,7% (năm 2013 tăng 7,4%),

 Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn năm trước. Diễn biến phức tạp tình hình khu vực và thế giới đã có những ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động thương mại, du lịch của nước ta. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt 5,96% (năm 2013 tăng 6,57%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước tăng 10,6% so với năm trước, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 6,25%, cao hơn so với các năm trước (năm 2011-2013 lần lượt tăng 4,7%; 6,2% và 5,6%); khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 7,87 triệu lượt, tăng 4%.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới