Hủy

Các kích thích kinh tế không thể cứu thị trường hàng hóa?

Thứ Ba | 24/07/2012 13:57

Chuyên gia cho biết nhân tố quyết định giá hàng hóa không phải kích thích từ ngân hàng trung ương mà vẫn là bài toán cung-cầu, đặc biệt là trong dài hạn.
 

Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Dominic Schnider, các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể bơm thêm thanh khoản vào thị trường tài chính, tuy nhiên đây không phải nhân tố quyết định giá cả. Nhu cầu thế giới vẫn sẽ tiếp tục là nhân tố chi phối giá hàng hóa, đặc biệt là các loại tài nguyên thiên nhiên. Và một khi nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất không khởi sắc thì giá hàng hóa sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Vì thế, nếu chính sách tiền tệ nới lỏng đưa ra không thể kích cầu thì giá hàng hóa cũng không thể phục hồi. Ông cho rằng biện pháp kích thích mà ngân hàng trung ương các nước thực thi gần đây nhằm tăng thanh khoản vẫn chỉ gói gọn trong ngân hàng mà chưa có tác dụng lên thị trường và lên các hoạt động tín dụng. Vì thế không thể kỳ vọng rằng các kích thích sắp tới sẽ có tác dụng lớn hơn.

Sắp tới, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa thêm kích thích tiền tệ bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất của các ngân hàng sau khi 2 lần bất ngờ hạ lãi suất vào tháng 6 và đầu tháng 7.

Lãi suất quy định bởi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Cục dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh đã xuống mức thấp kỷ lục. Còn Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang do dự đưa ra chương trình mua tài sản sau khi gạt bỏ gói kích thích 40 nghìn tỷ yên (505 triệu USD) bị Thống đốc Masaaki Shirakawa liên tục phản đối.

Fed dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào hai ngày 31/7 và 1/8 tới. Khảo sát bởi Reuters cho thấy 50% số người tham gia dự đoán Fed sẽ phát động thêm một chương trình mua trái phiếu.

Lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro như các loại hàng hóa. Nhu cầu yếu sẽ làm giá dầu, kim loại quý, kim loại cơ bản và nông sản theo chiều hướng đi xuống ít nhất cho đến quý IV, Schnider nhận định.

Biến động chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu trong 1 năm qua (Nguồn Bloomberg)
Biến động chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu trong 1 năm qua (Nguồn Bloomberg)

Giá vàng giao ngay giảm khoảng 17,8% kể từ khi chạm mốc kỷ lục 1.918 USD/oz vào tháng 9 năm ngoái. Phiên hôm nay, giá vàng giao dịch không đổi ở 1.577 USD/oz tại thị trường châu Á. Đồng giảm 16% kể từ đầu năm nay và hiện giao dịch ở 3,37 USD/pound trong khi quặng sắt giao dịch ở mức giá thấp nhất 8 tháng 123,6 USD/tấn.

Dầu thô cũng rơi vào thị trường giá xuống. Kể từ đầu năm nay, giá dầu thô kỳ hạn tại New York giảm 15%, giá dầu Brent tại London giảm 9%.  Gần đây nhất, lo ngại về nợ Tây Ban Nha đã đẩy giá dầu thô giảm 2 phiên liên tiếp. Phiên hôm qua, dầu Brent giảm hơn 3% xuống còn 103,26 USD/thùng, dầu thô New York giảm 4% xuống còn 88,14 USD/thùng.

Trong ngắn hạn, giá dầu được hỗ trợ tăng khi nguồn cung dầu có nguy cơ bị ngưng trệ bởi căng thẳng tại Syria và lệnh trừng phạt lên Iran. Tuy nhiên trong dài hạn, chuyên gia dự báo giá dầu thô có thể giảm mạnh xuống 50 USD/thùng trong 2 năm tới nếu nhu cầu tiếp tục giảm sút và nguồn cung dầu đi vào ổn định.

Nguồn CNBC/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới