Hủy

Các tập đoàn đa quốc gia và ván bài của Việt Nam

Thứ Hai | 30/06/2014 07:46

Samsung vừa công bố kế hoạch sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Bắc Ninh thông qua dự án Samsung Display.
 

Trong bối cảnh Việt Nam đang căng thẳng an ninh với người láng giềng phương Bắc, việc các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel hay Formosa mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một thông tin không thể tốt lành hơn. Điều này phần nào phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của quốc gia 90 triệu dân này.

Mới đây, Samsung đã công bố kế hoạch sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Bắc Ninh thông qua dự án Samsung Display. Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, dự án này sẽ nâng tổng số vốn cam kết đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên tới 6,8 tỉ USD. Trước đó, Samsung cũng công bố kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử tại khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn dự kiến lên đến hơn 1 tỉ USD.

Về phía Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới này mới đây đã công bố kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất bộ vi xử lý cho máy tính để bàn tại TP.HCM. Quan trọng hơn là trước đó, trong lá thư gửi đến chính quyền địa phương, Intel cho biết đã quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp chip tại Costa Rica để tập trung vào khu vực châu Á. Đây là một bước đi trong nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của Tập đoàn trên toàn cầu. Trong kế hoạch cải tổ này, Việt Nam được cân nhắc là một trong những địa điểm thích hợp để Intel mở rộng đầu tư.

Rõ ràng, việc các tập đoàn đa quốc gia bày tỏ ý định đầu tư sâu rộng hơn vào Việt Nam không chỉ đơn thuần là để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam. Họ sẽ không quyết định đầu tư nếu không được đảm bảo về môi trường đầu tư cũng như về an ninh chính trị của các bên có liên quan. Đó là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng kinh tế - an ninh hiện nay và góp phần giảm nhẹ áp lực cho các nhà điều hành chính sách, nhất là khi dòng vốn FDI chảy vào đang có dấu hiệu hụt hơi (trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm chỉ đạt 5,5 tỉ USD, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm trước).

Dĩ nhiên, trong ván bài chiêu dụ các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam, các nhà điều hành chính sách sẽ phải nỗ lực tối đa để làm hài lòng các vị khách giàu có này. Điều đáng phấn khởi là đã có một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang rất nghiêm túc trong việc nâng cấp bản thân để trở nên hấp dẫn hơn. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Giám đốc Cục Đầu tư nước ngoài, trong cuộc thảo luận với nhà đầu tư nước ngoài mới đây, đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng cách cải thiện nguồn nhân lực, hệ thống luật pháp cũng như bãi bỏ các chính sách cứng nhắc, gây khó hiểu cho nhà đầu tư.

Không chỉ dừng ở việc nói, đầu tháng 6, sau “sự cố tháng 5” ở Hà Tĩnh, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện ngay thiện chí khi xử lý rốt ráo nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai dự án 9,9 tỉ USD của Tập đoàn Formosa như thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế nhà thầu…cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư này nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội từ bất ổn chính trị tại Thái Lan (hơn 200.000 công nhân nước ngoài đã rời bỏ Thái Lan kể từ khi quân đội Thái đảo chính) hay chi phí sản xuất tăng lên của Trung Quốc để thu hút FDI trong năm nay và các năm tới?

Cuộc chơi toàn cầu hóa là cuộc chơi vô cùng khắc nghiệt, dòng vốn sẽ không dừng lại mãi một nơi, nếu nơi đó không còn lợi thế cạnh tranh. Cái may mắn của Việt Nam hiện giờ, như phân tích của chuyên gia đầu tư Marc Faber, là nằm ở khu vực châu Á, nơi quyền lực kinh tế thế giới đang nghiêng về. Có lẽ nếu không tận dụng được cơ hội hiện nay thì Việt Nam chỉ thể tự trách mình mà thôi.

Tuy nhiên, ngoài những chính sách tập trung vào ngắn hạn, các nhà làm chính sách cũng cần nghĩ nhiều hơn về dài hạn một khi những lợi thế cạnh tranh như nguồn nhân lực dồi dào và chi phí rẻ không còn nữa. Ở khía cạnh này, hành động rời bỏ Costa Rica của Intel cũng là bài học rất giá trị mà Việt Nam nên học hỏi.

Thực vậy, quốc gia Trung Mỹ này đã rất bất ngờ khi Intel tuyên bố đóng cửa nhà máy lắp ráp chip, đồng thời sẽ sa thải hơn 1.500 lao động vào cuối năm nay. Trước đó, Costa Rica từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi được Intel chọn lựa để đầu tư vào năm 1997 và giờ đây nó lại bị chính Intel rời bỏ. Thiệt hại không chỉ đến từ việc tổng sản phẩm quốc nội của Costa Rica dự báo sẽ sụt giảm 0,3-0,4% năm tới hay 21% giá trị xuất khẩu hằng năm sẽ bị mất đi, mà các công ty phụ trợ cho Intel như Infosys và HP cũng sẽ cân nhắc ra đi.

Và chỉ vài giờ sau khi Intel công bố quyết định đóng của, Ngân hàng Bank of America của Mỹ đã tuyên bố sẽ dừng hoạt động tại Costa Rica, cùng với đó là 1.400 nhân viên sẽ bị mất việc. “Nó thật sự đau đớn”, Karla Blanco, nhân viên làm việc tại Intel đã 17 năm, trả lời phỏng vấn The Economist.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới