Hủy

Cây cà phê, khởi nguyên Đông Phi đến thức uống toàn cầu

Thứ Sáu | 15/02/2013 09:05

Người ta tin rằng Ethiopia là nơi khởi nguyên của cây cà phê. Dù ở đâu đi nữa thì giờ nó cũng là thức uống thông dụng bậc nhất toàn cầu.
 

Nghịch lý trong ngành cà phê toàn cầu

Không chỉ là một loại thức uống quan trọng, cà phê còn là hàng hóa có giá trị lớn thứ hai được xuất khẩu từ các nước đang phát triển, chỉ đứng sau dầu thô.

Hiện nay, cà phê là sản phẩm nông nghiệp vào hàng quan trọng nhất trên thế giới với quy mô sản xuất trải rộng hơn 60 nước.

Cà phê hiện là sản phẩm nông nghiệp thuộc loại quan trọng nhất trên thế giới, quy mô sản xuất trải rộng hơn 60 nước.
Cà phê hiện là sản phẩm nông nghiệp thuộc loại quan trọng nhất trên thế giới, quy mô sản xuất trải rộng hơn 60 nước.

Ngành cà phê toàn cầu ước tính thu về 70 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chưa đến 10% thu nhập này về tay người trồng cà phê. Đại bộ phận lợi nhuận nằm trong tay những tập đoàn và những dây chuyền bán lẻ đặc quyền ở các nước công nghiệp phát triển.

Brazil và Việt Nam là những nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, với sản lượng lần lượt chiếm là 36% và 15% thế giới. Những nước sản xuất lớn còn lại có thể kể đến Columbia, Indonesia, Mexico, Ethiopia, Ấn Độ, Peru, Guatemala và Uganda.

Trong ngành cà phê, các quốc gia tiêu thụ cà phê mạnh nhất thì không trồng cà phê, còn các quốc gia trồng cà phê thì tiêu thụ cà phê không cao, trừ Brazil là quốc gia có mức tiêu thụ cà phê đáng kể.

Những nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Canada, Anh, Ba Lan và Hà Lan.

Những tập đoàn lớn như Nestle, Philip Morris, Procter&Gamble, Sara Lee, Tchibo, Starbucks đang chi phối thị trường cà phê toàn cầu.

Những tập đoàn kinh tế tài chính lớn dùng thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm và sự thông thạo luật pháp để thu mua hạt cà phê xanh vào những lúc giá cả dao động mạnh, hoặc cấp vốn cho nông dân vốn luôn bị eo hẹp về vốn liếng để mua kỳ hạn và đầu cơ tích trữ hàng hoá, đề phòng những năm mất mùa hoặc giá cả tăng vọt.

Các nhà thu mua cà phê hàng đầu của thế giới còn chi phối thị trường bằng cách tác động lên các tổ chức quốc tế để đặt ra những tiêu chuẩn cho các nước trồng cà phê. Hiện đang tồn tại song song nhiều quy chuẩn, chứng chỉ cho ngành cà phê như hệ thống chứng chỉ FairTrade (1997), UTZ Certified (2007), RainForrest Alliance (1992) và bộ tiêu chí 4C (2006)... Nếu các hộ trồng cà phê không đạt được các chứng chỉ trên thì sẽ bị ép giá bởi các đơn vị thu mua.

Lịch sử ngắn về cây cà phê

Người ta tin rằng tỉnh Kaffa của Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê. Từ thế kỉ thứ 9 người ta đã nói đến loại cây này ở đây.

Theo một truyền thuyết đã được ghi lại trên giấy vào năm 1671, những người chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) phát hiện ra một số con dê trong đàn sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ đã chạy nhảy không mệt mỏi cho đến tận đêm khuya. Họ bèn đem chuyện này kể với các thầy tu tại một tu viện gần đó.

Khi một người chăn dê trong số đó ăn thử loại quả màu đỏ đó anh ta đã xác nhận công hiệu của nó. Sau đó các thầy tu đã đi xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Họ uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Như vậy có thể coi rằng nhờ chính đàn dê này con người đã biết được cây cà phê.

Cách thức pha chế cà phê truyền thống của người Ethiopia có lẽ là cách thức cổ xưa nhất. Hạt cà phê được cho vào một cái chảo sắt to và rang lên, sau đó được nghiền vụn ra hoặc cho vào cối giã. Chỗ hạt giã vụn đó được trộn với đường trong một cái bình gọi là jebena (một loại bình cổ thon có quai), nấu lên và đổ ra bát.

Một tấm thiệp in hình nghi thức cà phê của người Ethiopia
Một tấm thiệp in hình cách thức uống cà phê của người Ethiopia

Từ đó, cà phê đã lan ra Ai Cập và Yemen, và tới thế kỉ thứ 15 thì đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc châu Phi. Từ thế giới Hồi giáo, cà phê đến Italia, sau đó là phần còn lại của châu Âu, Indonesia và Mỹ.

Cà phê trong tôn giáo và chính trị

Một trong những người ưa chuộng cà phê sớm nhất là các tín đồ theo đạo Hồi. Họ luôn phải thức suốt đêm để làm lễ thờ cúng. Khi cà phê trở nên thông dụng thì cũng là lúc nhiều vấn đề gây tranh cải nảy sinh. Lo sợ những quán cà phê mọc lên ở khắp nơi sẽ là địa điểm tập hợp các phần tử chống đối, chính quyền tại Mecca và Cairo đã cố gắng cấm loại đồ uống này. Việc cấm đoán này không mang lại hiệu quả gì.

Một quán cà phê cổ ở Palestine
Một quán cà phê cổ ở Palestine

Khi cà phê du nhập vào châu Âu năm 1500, các tu sĩ tại nhà thờ Vatican chỉ trích rằng đó là loại thức uống đáng ghê tởm của quỷ Satan, của những kẻ theo đạo Hồi chống lại đạo Thiên Chúa. Vì thế nó phải bị cấm.

Khi Giáo hoàng Clement VIII đến, ông nếm thử hạt cà phê và rất thích. Ông đã ban phước cho loại hạt này. Ông nói: "Đồ uống của quỷ Satan thật ngon. Thật đáng tiếc nếu chỉ để những người không theo đạo dùng nó. Chúng ta sẽ chơi quỷ Satan bằng cách rửa tội cho loại đồ uống này".

Với lời ban phước của Giáo hoàng, cà phê nhanh chóng chinh phục châu Âu và trở thành thức uống buổi sáng được ưa chuộng cho đến ngày nay.

Khi sự xuất hiện của các quán cà phê Starbuck tràn ngập trên đường phố, chúng ta có thể nghĩ đây mới là thời đại hoàng kim của cà phê nhưng không gì có thể sánh được với sự ưa chuộng nó ở Trung Đông vào những năm 1500. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một phụ nữ có thể li dị chồng nếu anh ta không cung cấp đủ cà phê cho cô ta.

Hiện nay, cà phê là sản phẩm nông nghiệp vào hàng quan trọng nhất trên thế giới với quy mô sản xuất trải rộng hơn 60 nước tại bốn châu lục: châu Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.

Hai loại cà phê được trồng nhiều nhất trên thế giới là cà phê arabica và cà phê robusta. Hơn hai phần ba sản lượng cà phê thế giới đến từ arabica. Cà phê robusta dễ trồng hơn tuy nhiên hương vị được đánh giá là thua kém hơn so với arabica, vì thế giá thành cũng rẻ hơn.
Bản đồ cà phê thế giới
Bản đồ cà phê thế giới

Ngày nay, cà phê là một trong những thức uống thông dụng toàn cầu. Hằng năm thế giới tiêu thụ hơn 500 tỷ cốc cà phê.

Nguồn Tổng hợp/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới