Hủy

Chính phủ nhận định lạm phát được kiềm chế nhưng chưa vững chắc

Thứ Sáu | 29/03/2013 17:52

Cũng theo nhận định của Chính phủ, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản còn chậm.
 

Theo thông cáo báo chí về cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3/2013, Chính phủ nhận định, dù trong quý I, nền kinh tế đã đạt được những kết quả nhất định, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết…

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế song chưa vững chắc.

Lãi suất cho vay đã giảm nhẹ nhưng còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả năm 2013, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Thứ hai, kiên trì mục tiêu tổng quát, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Ngân hàng phải có biện pháp quản lý tốt tỷ giá; cùng với việc hạ lãi suất cho vay phải có biện pháp và tăng cường kiểm tra để vốn vay với lãi suất thấp thực sự đến được với doanh nghiệp, tăng dư nợ tín dụng; đồng thời chú ý cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu.

Thứ 3, chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN đã được Quốc hội thông qua; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; giảm tối đa các chuyến đi công tác nước ngoài của cán bộ, công chức.

Thứ 4, khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế đã ban hành, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số qui định về thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT... nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh;

Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và tín dụng Nhà nước, xem xét ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014, nhất là đối với những công trình cấp bách; chú trọng thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA.

Thứ 5, tăng cường bình ổn thị trường, giá cả; ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm hướng dẫn việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế và giá thuốc... theo lộ trình thích hợp để không gây tăng CPI đột biến; đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt; tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, ngập mặn...
Thứ 6, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; tích cực đàm phán các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Thứ 7, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, bằng nhiều biện pháp phù hợp, trong đó cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi ổn định (tối đa 6%/năm); cho người nước ngoài mua nhà để ở.Thứ 8, trên cơ sở đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình hành động.

Thứ 9, tiếp tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đối với đồng bào, dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, hạn hán.

Tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống cháy nổ và trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Thứ 10, tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ 11, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nhất là ngăn chặn, kiềm chế các loại tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông; làm tốt công tác đối ngoại, trong đó tích cực, chủ động trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do; đấu tranh với các rào cản thương mại; nâng cao khả năng giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phản ứng kịp thời với những thông tin sai lệch; đồng thời các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới