Hủy

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4

Chủ Nhật | 31/03/2013 10:17

Công khai thông tin TCTD bị kiểm soát đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ lần đầu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi... có hiệu lực trong tháng 4.
 

Giảm lệ phí trước bạ lần đầu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi

Theo Nghị định 23/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10% (quy định cũ 10-20%).

Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.

Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Nghị định 23/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2013.

Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức

Theo Nghị định 17/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.

Theo quy định hiện đang được áp dụng tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ này được tăng lên thành không quá 10% tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP.

Nghị định 17/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2012.

Tạm dừng thi công công trình không đảm bảo an toàn
Theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực từ 15/4/2012, trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình.

Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng qua công tác kiểm tra hoặc do tổ chức, cá nhân phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Quyết định 14/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013.

Điều chỉnh phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ
Theo Thông tư 23/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, kể từ ngày 15/4/2013, phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ sẽ được điều chỉnh tăng.

Đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4), mức phí sát hạch lý thuyết sẽ là 40.000 đồng/lần thay mức 30.000 đồng/lần hiện nay theo quy định tại Thông tư 53/2007/TT-BTC; mức phí sát hạch thực hành là 50.000 đồng/lần thay mức 40.000 đồng/lần đang áp dụng.

Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), mức phí sát hạch lý thuyết sẽ tăng từ 70.000 đồng/lần lên 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình tăng từ 230.000 đồng/lần lên mức 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng sẽ tăng từ 50.000 đồng/lần lên 60.000 đồng/lần.

Công khai thông tin Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt

Theo Thông tư 07/2013/TT-NHNN quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, áp dụng từ ngày 27/4/2013, tùy vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt (giám sát hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng) hoặc kiểm soát toàn diện (kiểm soát trực tiếp và toàn diện hoạt động hàng ngày).

Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu chủ sở hữu các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt triển khai việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định cũng như đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định trong một thời hạn được xác định cụ thể.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt không có khả năng hoặc không thể thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu và trong thời hạn được Ngân hàng Nhà nước xác định, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu chủ sở hữu tổ chức tín dụng này xây dựng, trình kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác.

Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh tính đơn vị thuộc diện kiểm soát đặc biệt trên website của tổ chức tín dụng đó hoặc của Ngân hàng Nhà nước cũng như trên một số phương tiện thông tin đại chúng hoặc công bố tại Đại hội đồng cổ đông.

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới