Hủy

Chủ tịch UBCK: Không có cơ chế niêm yết thẳng

Thứ Sáu | 06/02/2015 10:06

Sau khi cân nhắc, lãnh đạo UBCKNN cho biết, không đề xuất ban hành cơ chế niêm yết thẳng lên Sở GDCK với các DNNN sau cổ phần hóa.
 

Không làm “hỏng” chất lượng hàng hóa

Thời gian qua, một số DNNN sau cổ phần hóa chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) muốn lên niêm yết thẳng trên Sở GDCK, thay vì trải qua giai đoạn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM theo quy định hiện hành. Trước thực tế này, trong quá trình xây dựng văn bản để thể chế hóa Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, ban đầu, UBCK dự định đưa ra phương án yêu cầu DN hoàn thiện song song hai hồ sơ: đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên Sở GDCK.

Theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, mà DN kịp hoàn tất hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, đồng thời đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán, thì sau khi hoàn tất cổ phần hóa, IPO, sẽ cho phép DN không cần đăng ký giao dịch qua UPCoM, mà hoàn tất thủ tục để niêm yết thẳng lên Sở GDCK. Trong trường hợp hết thời hạn 90 ngày mà DN không kịp hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, cũng như với những DN chưa đủ điều kiện niêm yết, thì phải đăng ký giao dịch cổ phiếu qua UPCoM theo đúng quy định tại Quyết định 51/2014.

Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, trong văn bản trình Bộ Tài chính xem xét ban hành, UBCK không đề xuất cơ chế cho phép DN niêm yết thẳng. Bởi lẽ, quan điểm nhất quán của UBCK là trong chiến lược phát triển TTCK phải chú trọng nâng cao chất lượng phát hành, chất lượng của công ty niêm yết, không được để tổn thương định hướng này. Do vậy, các yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết sẽ không có sự vận dụng ngoại lệ.

“Chúng tôi xây dựng cơ chế không đi theo hướng tạo ra một hình thức riêng, ngoại lệ nào về niêm yết, mà vẫn giữ nguyên tắc là đủ điều kiện niêm yết thì DN lên niêm yết”, ông Bằng nói và cho biết thêm, DN muốn lên niêm yết, không chỉ phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, quy mô DN, lợi nhuận, mà còn phải thỏa mãn các yêu cầu về quản trị công ty. DNNN sau khi cổ phần hóa muốn lên niêm yết phải có sự chuyển biến về quản trị công ty, phải được tập dượt về quản trị công ty, thì khi lên niêm yết mới tôn trọng cổ đông, tôn trọng các thành viên thị trường khác và minh bạch hơn nữa trong hoạt động. Vì vậy, UBCK không “hy sinh” các tiêu chuẩn niêm yết đối với DN cổ phần hóa và thoái vốn...

Trong khi đó, hiện có nhiều công ty đại chúng hình thành từ DNNN cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng rất thấp, do cổ đông Nhà nước còn nắm cổ phần gần như tuyệt đối. Điều này cũng đang diễn ra với không ít DNNN vừa kết thúc cổ phần hóa. Do đó, nếu cho phép các DN này lên niêm yết thẳng, mà không trải qua giai đoạn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì chất lượng quản trị công ty không được đảm bảo.

Theo UBCK, thông lệ quốc tế quy định 20% cổ phiếu phải do cổ đông bên ngoài nắm giữ, thì quản trị công ty mới đảm bảo. Nếu cơ cấu cổ đông bên ngoài nhỏ bé thì chất lượng quản trị công ty, cũng như lợi ích của các cổ đông không được đảm bảo.

Phải tập dượt qua UPCoM

Với định hướng chính sách như trên, UBCK đưa ra quy định bắt buộc đối với DN đã cổ phần hóa, trong vòng 1 tháng là phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM để tạo điều kiện cho NĐT giao dịch và tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Khi DN đăng ký giao dịch trên UPCoM, thông tin sẽ minh bạch hơn, đồng thời cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động giao dịch, quản trị công ty tốt hơn...

“Sau 6 tháng giao dịch trên UPCoM, nếu DN đủ điều kiện niêm yết, cơ quan quản lý sẵn sàng ủng hộ DN lên niêm yết chính thức trên TTCK. Quá trình 6 tháng đó là thời gian để DN nâng cao quản trị công ty, cấu trúc lại DN, cũng như chuẩn bị hồ sơ để lên niêm yết”, ông Bằng nói.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới