Hủy

Chứng khoán VnDirect dành tối đa 50 tỷ đồng cho tự doanh

Thứ Ba | 05/03/2013 13:30

Theo Tổng giám đốc VNDS, quan điểm của công ty là thu hẹp mảng tự doanh, còn định hướng chung là xây dựng dịch vụ phát triển môi giới.
 

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect (VNDS) Nguyễn Hoàng Giang, chứng khoán giai đoạn vừa rồi tiến triển tích cực nhưng nó chỉ là giai đoạn đầu và để phát triển bền vững cần phải gắn với sức khỏe nền kinh tế vĩ mô.

Chỉ dành 50 tỷ đổ lại cho tự doanh

Ông có thể cho biết định hướng và kế hoạch của VnDirect năm 2013 ra sao? Ông có tiếp tục đẩy mạnh mảng môi giới hay coi đây là cơ hội tự doanh chưa?

Quan điểm của VNDS là thu hẹp mảng tự doanh. Chúng tôi phát triển theo hướng dịch vụ và đa dạng hóa tài chính cá nhân và năm nay, chúng tôi chỉ dành ra khoảng 50 tỷ đổ lại cho mảng tự doanh trên cơ sở ngắn hạn. Bộ phận quản lý danh mục của chúng tôi có nguyên tắc cắt lỗ và chốt lãi rõ ràng, đảm bảo lợi nhuận cho công ty.

Còn định hướng chung của VNDS là xây dựng dịch vụ phát triển môi giới. Hiện công ty có khoảng 100 môi giới và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay.

Theo quan điểm của tôi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang phát triển và biển đổi sang một tầm cao mới. Thị trường cần những người môi giới - tư vấn cho khách hàng tốt hơn. Tầm nhìn của công ty trong 2-3 năm tới sẽ đào tạo và đi sâu vào chất lượng người môi giới tư vấn cho khách hàng đồng thời tạo ra các sản phẩm mới, năng động cho nhà đầu tư cá nhân.

Chúng tôi kỳ vọng khi thanh khoản thị trường tốt hơn và chu kỳ thanh toán ngắn đi sẽ phát triển một thế hệ nhà đầu tư mới coi mua bán chứng khoán là một nghề.

Sẽ tiếp tục tuyển thêm môi giới

Hiện tại công ty chứng khoán nói chung đang thu hẹp mảng môi giới, đóng cửa phòng giao dịch, năm 2013 định hướng của VNDS thế nào?

Mô hình phòng giao dịch chứng khoán đã cũ rồi, ngoài yêu cầu giấy phép còn đi kèm cơ sở vật chất rất tốn kém. Chúng tôi đi theo hướng phát triển con người nhiều hơn. Môi giới phụ trách một vùng có thể ngồi ở công ty hoặc quán cà phê vẫn có thể làm việc được. Công ty chỉ cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ thông qua các kênh giao dịch từ xa, như vậy sẽ tiết kiệm hơn và phát triển đúng mong muốn của khách hàng.

Hiện nay, VnDirect chỉ tuyển thêm người, còn không mở thêm phòng giao dịch. Đây là mô hình hiện đại, phù hợp với xu hướng mới.

Nhìn vào top 10 thị phần môi giới trên hai sàn, khi người ta nhìn thấy một sự bứt phá sẽ nghĩ đến việc công ty đó có gì đó “mập mờ” như kiểu cho vay margin vượt kiểm soát hay cho bán khống, ông nghĩ về ý kiến này như thế nào?

Mỗi công ty có một định hướng riêng, họ có giải pháp và họ có sản phẩm dịch vụ đặc thù mà nhà đầu tư yêu thích. Nếu tìm hiểu kỹ thì mình sẽ thấy có nhiều cái phát minh (innovation) ở sự vươn lên đấy khiến họ tốt hơn, trong một môi trường cạnh tranh thì cần có những con người như vậy. Nó sẽ khiến thị trường phát triển nhanh hơn và mạnh hơn.

Quan điểm của ông về thị trường chứng khoán năm 2013 như thế nào?

Năm 2013 là một năm năng động trên thị trường chứng khoán, kinh tế còn nhiều khó khăn, xử lý nợ xấu chưa rõ ràng, sản xuất chưa có nhiều biến chuyển nhưng đối với chứng khoán lại rất hấp dẫn. Thị trường có nhiều biến động và nhà đầu tư phải đưa ra quyết định linh hoạt để có được lợi nhuận và giữ được lợi nhuận, cần phải quyết định nhanh và không thể cứng nhắc với một định hướng được.

Chứng khoán giai đoạn vừa rồi tiến triển tích cực nhưng nó chỉ là giai đoạn đầu và để phát triển bền vững cần phải gắn với sức khỏe nền kinh tế vĩ mô. Tất cả hiện vẫn đang mập mờ nhưng chính vì mập mờ nên chứng khoán mới hấp dẫn.

Đối với các công ty chứng khoán, mọi người cần đưa ra các quyết định quyết liệt. Sự co hẹp là chuyện bình thường, thị trường có tính chu kỳ, chúng ta phát triển bùng nổ giai đoạn 2007 và co hẹp năm 2012, xấu thì lộ ra xấu, tốt thì vươn lên, sau mỗi một chu kỳ các công ty sẽ phát triển lên một tầm mới.

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới