Hủy

Chuyên gia Ấn Độ: "Việt Nam là tâm điểm chú ý của ngày hôm nay"

Thứ Tư | 09/09/2015 12:16

Chuyên gia ngân hàng Ấn Độ đánh giá các hiệp định tự do thương mại có thể giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất của Châu Á
 

Mới đây, ông Rahul Mazumdar - trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích của ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank of India) đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam một khi hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Ông Rahul nhận định việc Việt Nam đã và đang ngày một tham gia nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong tương lai.

Trong năm nay, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán 8 hiệp định thương mại tự do với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Các hiệp định nổi bật trong đó là Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) .

Theo đó, hoạt động xuất khẩu Việt Nam có điều kiện phát triển, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường khác trên thế giới. Đây là những nơi mà trước đây hàng Việt Nam rất khó thâm nhập vào, do những rào cản thuế quan nặng nề.

Điều này sẽ góp phần thay đổi gần như toàn bộ bộ mặt của ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam. Thay vì như trước đây vốn phát triển hạn chế và phần lớn dựa vào Trung Quốc thì giờ đây các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng xây dựng thành những chuỗi quy trình khép kín trong sản xuất.

Việt Nam đang có sẵn thế mạnh cạnh tranh trong một số ngành chủ lực như: cà phê, gạo, dệt may và may mặc. Đặc biệt Việt Nam đang là nước xuất khẩu hàng dệt may và may mặc lớn thứ hai sang thị trường Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Ngoài ra, việc bong bóng chứng khoán Trung Quốc đỗ vỡ cũng như thị trường tiền tệ với nhiều biến động làm cho niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm mạnh. Các dòng vốn lớn đang dần rút ra khỏi Trung Quốc để đi tìm một địa điểm lý tưởng mới. Đây là điều kiện và cơ hội cho Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nếu so sánh với Trung Quốc thì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều, với mức thu nhập bình quân hàng năm ở mức 2.364 USD, chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là chi phí nhân công ở Việt Nam thấp hơn nhiều. Về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 78 và Trung Quốc đang ở vị trí 90, theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức 22%, thấp hơn 5% so với Trung Quốc.

Ông Rahul nhận định rằng do Ấn Độ không có sẵn hiệp định thương mại với nhiều nước thành viên TPP hay RCEP, nên đã đến lúc các công ty Ấn Độ cần xem xét việc thiết lập các trung tâm sản xuất tại Việt Nam để tận dụng các điều kiện ưu đãi dành cho các nước tham gia hiệp định. Khi đó, giới doanh nghiệp Ấn Độ sẽ là một trong những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi.

Đinh Hạnh

Nguồn BL


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới