Hủy

Cố đô gọi vốn tỉ đô

Việt Dũng Thứ Năm | 28/02/2019 14:00

Tỉnh Thừa Thiên Thuế đang tranh thủ sự ủng hộ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển du lịch.
 

Trước bối cảnh hoàn toàn “lép vế” với Phố cổ Hội An nằm ở phía Nam Đà Nẵng, Cố đô Huế đang tìm cách gọi vốn tỉ USD để trỗi dậy. Nhưng liệu những cam kết mới từ các nhà đầu tư có giúp Huế đạt được mục tiêu phát triển du lịch trong thời gian tới?
 
Điểm đến mới
Nếu cần đến Huế mà không có chuyến bay, chúng ta có thể chọn phương án đến Đà Nẵng, rồi tới thành phố “di sản” qua con đường hầm dài nhất Đông Nam Á chỉ trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Mặc dù đã có sân bay quốc tế Phú Bài chỉ nằm cách thành phố Huế 20km, nhưng rõ ràng Huế vẫn chịu nhiều thua thiệt so với người hàng xóm. Năm 2018, Huế đón nhận 1,85 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với 2,8 triệu lượt tại Đà Nẵng. 

Dù vậy, tương lai của Huế được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn trong thời gian tới, khi lần lượt VietJet Air, rồi Bamboo Airways cam kết sẽ tăng cường thêm nhiều đường bay mới. Thậm chí, Vietravel, một công ty du lịch, cũng đưa ra đề xuất táo bạo: nghiên cứu đề án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines và đặt đại bản doanh ở Huế. Đề xuất này còn quá xa vời với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay, nhưng lại nhấn mạnh tầm quan trọng của Huế trong khu vực. Trong số 19 tỉnh thành góp mặt, đây cũng là nơi diễn ra Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 16.2 vừa qua. 

Trong hội nghị, cùng với hàng ngàn tỉ đồng đổ vào địa phương xung quanh, Huế cũng đón dự án tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng của Công ty Giải trí Tổng hợp Tam Giang (quy mô 4.168 tỉ đồng với diện tích 110 ha), dự án biển Hải Dương (2.107 tỉ đồng, 134ha) và Khu nghỉ dưỡng phát triển thể chất Văn Phú Lộc Bình (3.066 tỉ đồng, 248ha). Trước đó, năm ngoái, Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô tăng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỉ USD, đồng thời bổ sung hoạt động casino. 

Co do goi von ti do
 

Theo báo cáo của tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, ngành du lịch địa phương đã có bước phát triển khá nhanh về lượng khách và doanh thu du lịch. Trong đó có một số dự án đã đưa vào khai thác sử dụng hoặc đang tích cực như Vingroup, Laguna Lăng Cô, PSH, BRG… “Thiếu doanh nghiệp, thiếu các tập đoàn lớn, không có hãng lữ hành, không có khu du lịch, khu vui chơi, giải trí thì khó thành công, phát triển du lịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định về vai trò của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một thực tế là Huế ngày càng tụt hậu trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư, cạnh tranh trực tiếp với các địa phương trong khu vực có du lịch biển tương tự. Một nghiên cứu của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, cho thấy vốn đầu tư của Huế ước đạt khoảng 54% so với Đà Nẵng vào năm 2010, nhưng tỉ lệ này chỉ còn 27% vào năm 2017. “Đầu tư thấp dẫn tới sự phát triển du lịch dưới tiềm năng”, ông Bình khẳng định.

Làm mới sản phẩm
Rắc rối của Huế không chỉ nằm ở chuyện thiếu vốn đầu tư, mà còn ở sản phẩm du lịch nghèo nàn và đơn điệu, như chính lãnh đạo địa phương thừa nhận. “Chưa có sản phẩm đặc sắc mang bản sắc Huế, chất lượng dịch vụ chưa cao”, báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết. Hàng loạt nguyên nhân được đưa ra như chậm đổi mới trong tư duy phát triển du lịch, công tác quảng bá không hiệu quả, thiếu cơ chế và chính sách, thiếu nhân lực.

Từ nhiều năm nay, khách du lịch biết đến Huế dưới danh hiệu “cố đô”, với các chủ đề cũ kỹ như “con đường di sản”, “kết nối di sản”. Đến với Huế, nhiều người còn chẳng biết sẽ làm gì vào đêm, vì buổi tối thiếu nhiều hoạt động vui chơi giải trí. 

Lãnh đạo địa phương cho biết cũng đã nhìn ra vấn đề này. Đại Nội (điểm du lịch mang tính thương hiệu độc nhất) đã mở cửa về đêm, phố đi bộ vào buổi đêm được thành lập ở nhiều nơi. “Bên cạnh việc củng cố, làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch biển, đầm phá, vốn là thế mạnh thì một số sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch homestay, du lịch nhà vườn, du lịch tâm linh đã được hình thành hầu như khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh”, báo cáo của lãnh đạo địa phương cho biết.

Co do goi von ti do
 

Theo cơ quan thẩm quyền, kế hoạch trong thời gian tới vẫn là tập trung vào việc phát triển mảng du lịch có thế mạnh, nhưng cũng sẽ thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, đô thị du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ cao cấp ở vùng biển, đầm phá, ở Chân Mây - Lăng Cô. Cảng Phú Bài sẽ được nâng cấp, còn cảng Chân Mây sẽ trở thành cảng biển du lịch quốc tế. Huế cũng sẽ xuất hiện các trung tâm mua sắm cao cấp, tuyến phố đi bộ và trung tâm hội nghị quốc tế. Điều này nhằm tạo nên “sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút khách quốc tế”, như lãnh đạo địa phương kỳ vọng.

Trên thực tế, Huế vẫn còn khu vực biển khá “mênh mông” để khai thác. Tuy nhiên, đầu tư du lịch khu vực ven biển cũng có nhiều điều cần lưu ý, không chỉ ở Huế mà còn các địa phương xung quanh.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, du lịch biển mới chỉ khai thác được lớp sát biển (gồm vùng nước tắm biển, dải cát, dải cây xanh) và lớp nhà hàng khách sạn sát biển. “Ra khỏi không gian du lịch mỏng như thế, du khách không biết đi đâu, tìm kiếm các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu khác ở chỗ nào. Các di tích lịch sử, bảo tàng, địa chỉ văn hóa, các công trình kiến trúc nổi tiếng, không gian giao tiếp, đặc biệt là cộng đồng dân cư bản địa bị tách rời khỏi văn hóa du lịch biển”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định.

Tại Hội nghị lần này, vấn đề không chỉ có Huế cần phát triển du lịch, mà còn làm thế nào để thúc đẩy cả khu vực Tây Nguyên - miền duyên hải miền Trung. Đây cũng là câu chuyện “nhiều năm nói mãi”, khi các địa phương phát triển và khai thác tài nguyên theo kiểu “thân ai nấy lo”.

Hợp tác là bắt buộc trong liên kết vùng du lịch, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong một khu vực có nhiều sản phẩm cạnh tranh như vùng duyên hải miền Trung. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng Duyên hải Miền Trung, tình huống không muốn hợp tác mà cạnh tranh giữa các địa phương là có thật.

“Do đó, những bước đi, tính toán trong việc hợp tác cần phải cẩn trọng và thực tế từng vấn đề nhỏ có thể khả thi. Điều tối kỵ là đưa ra những vấn đề gây tranh cãi hay chia rẽ giữa các địa phương”, ông nói.

Hiện nay, mỗi khách du lịch đến Huế chi tiêu bình quân chỉ có 930.000 đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1,72 triệu đồng ở tỉnh Quảng Nam, nơi có Phố cổ Hội An nằm cách Đà Nẵng khoảng 30km về hướng Nam. Rõ ràng, lãnh đạo Huế còn rất nhiều việc cần làm để cải thiện ngành du lịch địa phương.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới