Hủy

Cơ hội nào cho cổ phiếu bị kiểm soát?

Thứ Hai | 23/02/2009 16:19

12 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đang nỗ lực thoát khỏi danh sách đen. Họ sẽ làm điều này như thế nào?
 

Theo quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), có 3 nhóm bị đưa vào diện kiểm soát:

Nhóm 1: Doanh nghiệp niêm yết không đáp ứng được điều kiện niêm yết trên HoSE như kết quả kinh doanh lỗ, có nợ quá hạn trên 1 năm, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, không đáp ứng được lượng cổ đông công chúng.

Nhóm 2: Doanh nghiệp niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin.

Nhóm 3: Doanh nghiệp liên quan đến chứng khoán không có giao dịch trong vòng 90 ngày.

Mức độ kiểm soát

Cấp độ 1: Lên tín hiệu cảnh báo.

Cấp độ 2: Tạm ngừng giao dịch (một hoặc nhiều phiên).

Cấp độ 3: Hạn chế giao dịch.

(Chỉ có BBT là đã trải qua tất cả các mức độ kiểm soát, những cổ phiếu còn lại đều dừng ở mức cảnh báo)

Hai tuần trở lại đây, thông tin về việc cổ phiếu bị kiểm soát đã thực sự gây chú ý. Bắt đầu là Tribeco (TRI) khi đơn vị này công bố mức lỗ trong năm 2008 lên đến 145 tỉ đồng. Tiếp đó, REE, VTA, BHS, VHG lần lượt bị đưa vào “danh sách đen”. Ngày 16.2, SAM, HAP, PPC, TYA, TPC chính thức bị điểm mặt. Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, danh sách cổ phiếu bị kiểm soát đã tăng lên con số 12. Và danh sách này dự báo sẽ còn dài ra một khi báo cáo tài chính kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết được công bố.

KHÔNG NÊN VỘI LO LẮNG

Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định Niêm yết, thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), việc đưa các cổ phiếu này vào diện bị kiểm soát là để cảnh báo cho nhà đầu tư và cũng để HoSE lưu tâm hơn đến các thông tin tài chính sau này.

Nói như Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc kiểm soát chỉ là một thủ tục bình thường khi công ty niêm yết công bố lỗ. Tuy nhiên, vì thị trường chưa quen với thực trạng này, cộng với cái mác “bị kiểm soát” mà tâm lý nhà đầu tư đã xấu đi rất nhiều.

Và nhà đầu tư đã có những phản ứng rất tiêu cực. Cụ thể, ngay sau khi có thông tin REE bị đưa vào diện kiểm soát, giá cổ phiếu này đã chạm mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (18.700 đồng/cổ phiếu). Gần 1 triệu cổ phiếu REE đã được bán tháo trong phiên 12.2. 7 trong số 12 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đã rớt dưới mệnh giá.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lo lắng của nhà đầu tư ít nhiều có cơ sở. Từ câu chuyện cổ phiếu bị kiểm soát, dư luận đặt ra vấn đề công bố thông tin và kiểm toán. Và liệu việc kiểm soát có ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông?

ĐO ĐẾN ĐỘ ẢNH HƯỞNG

Cho đến lúc này, mức độ ảnh hưởng của việc cổ phiếu bị kiểm soát vẫn chưa tính toán được. Nhưng điều dễ thấy nhất là giá của hầu hết các cổ phiếu này đã sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, theo đại diện một công ty chứng khoán, rất có thể một số cổ phiếu sẽ rơi vào tình trạng kém thanh khoản. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu còn tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến thua lỗ.

Hiện tại, trong số các cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát (ngoại trừ BBT), đáng ngại nhất là TRI. Năm qua, đơn vị này làm ăn không hiệu quả, nhưng mãi đến quý IV mới báo cáo lỗ. Con số lỗ xấp xỉ 145 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với tổng vốn 75,5 tỉ đồng. Bà Đào, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho biết: “Đây là trường hợp rất nghiêm trọng. Trước mắt, TRI sẽ bị kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc thêm với TRI và chuyển hồ sơ ra Ủy ban Chứng khoán để tiếp tục xử lý”.

Cũng làm nhà đầu tư phập phồng không kém là VTA, BHS, VHG, TYA và TPC. Đây là những doanh nghiệp đã lỗ nặng trên mảng kinh doanh chính. Chẳng hạn, trước thực trạng giá đồng thế giới giảm mạnh, Công ty Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA) phải lập dự phòng giảm giá nguyên liệu hàng tồn kho đến 134,6 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS), do diện tích trồng mía bị thu hẹp, đã phải tăng giá mua mía nguyên liệu thêm 25%, khiến chi phí đầu vào tăng vọt thêm 16 tỉ đồng, trong khi giá bán ra lại giảm bình quân 200 đồng/kg. Vitaly (VTA) cũng đã phải ngừng sản xuất để tránh tình trạng hàng tồn kho, vốn ứ động. Riêng Việt Hàn (VHG) thì mức lỗ đã hiện rõ trong những quý trước đó.

Tuy nhiên, gây sốc mạnh đối với nhà đầu tư là trường hợp của REE, PPC, SAM. Trong quá khứ, đây đều là những cổ phiếu blue-chip. Hiện nay họ vẫn là những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nhưng vì những khoản trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính (REE trích hơn 467 tỉ đồng, SAM trích hơn 205 tỉ đồng), dự phòng rủi ro tỉ giá (PPC trích 1.543 tỉ đồng) mà các đơn vị này từ lãi chuyển sang lỗ.

Để lấy lại uy tín, ngoài việc phấn đấu kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp trong diện bị kiểm soát sẽ phải tìm cách xử lý các “cục nợ” đang kéo lợi nhuận đi xuống. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), cho biết, khoản đầu tư tài chính 1.200 tỉ đồng (nay lỗ còn 874 tỉ đồng) sẽ được giao cho Quỹ Đầu tư Bảo Tín (REE chiếm hơn 60% cổ phần) xử lý trên tinh thần, chỉ giữ lại một phần cổ phiếu ngành điện, ngân hàng, bất động sản.

Về phần SAM, Công ty có kế hoạch duy trì dòng tiền đảm bảo triển khai các dự án mà không cần vay vốn ngân hàng. SAM cũng cho biết, do khoản đầu tư tài chính lớn nhất là 4% cổ phần tại Tập đoàn Hòa Phát có tính thanh khoản cao, nên đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong tình huống xấu nhất thì khoản tiền mặt gởi tiết kiệm 660 tỉ đồng tương đương giá trị vốn hóa thị trường của SAM cũng đủ giúp nhà đầu tư yên tâm.

Rõ ràng, cũng là kinh doanh thua lỗ, cũng bị liệt vào “danh sách đen”, nhưng tình hình của mỗi doanh nghiệp rất khác nhau. Vì thế, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi đến quyết định mua bá

Rơi trọn tuần

Màu đỏ đã bao trùm thị trường suốt tuần qua khi cả 5 phiên đều giảm điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 7,9% so với tuần trước, về mức 252,57 điểm, xấp xỉ ngưỡng tâm lý 250 điểm mà nhà đầu tư định ra. HaSTC-Index cũng giảm 7,4%, dừng ở mức 84,2 điểm.

Tuy nhiên, tình hình mua bán trên cả 2 sàn đã được cải thiện. Khối lượng giao dịch bình quân tại sàn TP.HCM là 9,2 triệu đơn vị/phiên, so với 6,5 triệu đơn vị/phiên của tuần trước. Giá trị giao dịch đạt trung bình 171 tỉ đồng/phiên. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây chưa phải là thông tin đáng mừng vì sự nhộn nhịp của thị trường có thể do nhà đầu tư thấy thị trường có thể còn giảm sâu nên bán các cổ phiếu blue-chip. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất mờ nhạt. Ngoại trừ ngày 18.2 là mua ròng, những phiên còn lại khối ngoại chủ yếu bán ra.

Tuần qua, gây chú ý nhất là 5 cổ phiếu mới bị ghi tên vào danh sách bị kiểm soát gồm PPC, SAM, HAP, TYA và TPC. ANV thì gây ấn tượng nhờ thông tin Nga có thể mở cửa trở lại đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam. STB vẫn là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất, trung bình 793.800 đơn vị/phiên.

Viễn thông Thăng Long lỗ liên tiếp 4 quý

Công ty Cổ phần Viễn thông Thăng Long (TLC) vừa công bố lỗ cả 4 quý năm 2008 với mức lỗ là 37,6 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là vì giá bán sản phẩm thấp hơn giá vốn. Như vậy, cùng với Bông Bạch Tuyết (lỗ 10,6 tỉ đồng), Viglacera Thăng Long (lỗ 69 tỉ đồng), TLC là doanh nghiệp thứ 3 lỗ 4 quý liên tiếp.

“Thay máu” ban điều hành Bông Bạch Tuyết

Đại hội Cổ đông bất thường lần 3 của Bông Bạch Tuyết (BBT) vừa quyết định bầu lại thành viên hội đồng quản trị và khôi phục hoạt động sản xuất. Bốn nhân vật gồm ông Lê Tiến Phước (hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị), ông Tạ Xuân Thọ (Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Tâm Anh (Phó Tổng Giám đốc) và ông Ngô Văn Hiền (thành viên Hội đồng Quản trị) đều bị bãi nhiệm. Bốn thành viên mới là ông Nguyễn Huy Cường, ông Nguyễn Đăng Hải, ông Võ Tấn Lộc và bà Phùng Thị Hoài Thu.

Bổ sung điều kiện thành lập CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán”. Theo đó, cá nhân là cổ đông sáng lập chỉ được sử dụng vốn của chính mình để góp vốn (không dùng vốn vay, vốn ủy thác). Cá nhân góp vốn phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác. Đối với pháp nhân góp vốn, phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm.

Nếu là công ty chứng khoán cổ phần hoặc có 2 thành viên trở lên phải có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức, trong đó ít nhất phải có 1 ngân hàng, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm. Tỉ lệ sở hữu cổ phần, vốn góp của các cổ đông, thành viên sáng lập phải đạt 65% vốn điều lệ; trong đó ngân hàng, công ty bảo hiểm công ty tài chính phải góp ít nhất 30%. Đối với công ty chứng khoán 1 thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm. Cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần, vốn góp trong 3 năm kể từ ngày được cấp phép và ngân hàng, công ty cổ phần hoặc công ty bảo hiểm phải luôn nắm giữ 30%.



Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới