Hủy

Cơ sở nào để NHNN thực hiện bơm tiền xử lý nợ xấu?

Chủ Nhật | 23/12/2012 13:04

Thanh khoản dư thừa, cán cân tổng thể thặng dư, lạm phát được kiểm soát được coi là cơ sở để NHNN bơm 100.000-150.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu.
 

Theo số liệu của các tổ chức tín dụng báo cáo, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới 30/9 khoảng 2,52%, trong khi tiền gửi của dân cư tăng tới 24% và tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 3,2%. Các tổ chức tín dụng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tới 30/9 là 4,9%, so với mức 3,3% cuối năm 2011; song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 lên tới 8,82%.

Trước tình hình này, NHNN đã có phương án xử lý nợ xấu. Trong cuộc họp với UBND TPHCM tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết, hệ thống ngân hàng sẽ đưa ra khoảng 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản.

Vậy những yếu tố nào được coi là cơ sở để Thống đốc đưa ra lời cam kết này?

Cơ sở đầu tiên đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Theo số liệu của NHNN, tuần từ 17-21/12, cơ quan này phát hành 8.309 tỷ đồng tín phiếu trên OMO để hút tiền về, gấp hơn 3 lần so với lượng phát hành tuần trước đó. Đây cũng là lượng phát hành tín phiếu lớn nhất từ đầu tháng 12 trên OMO.

Bên cạnh đó, trong tuần NHNN cũng bơm ra 1.100 tỷ đồng và hút về 2.092 tỷ đồng qua nghiệp vụ reverse repo (mua kỳ hạn), khiến mức hút ròng tuần qua đạt 992 tỷ đồng. Đây là tuần hút ròng đầu tiên sau 3 tuần bơm ròng liên tiếp qua nghiệp vụ repo.

Tính từ đầu tháng đến nay, NHNN phát hành 12.918 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về và hút ròng 541 tỷ đồng qua nghiệp vụ repo. Trước đó, trong tháng 11, NHNN cũng phát hành tới 37.723 tỷ đồng tín phiếu, gấp 2,5 lần trị giá tín phiếu đã phát hành trong tháng 10 và chỉ bơm ròng 118 tỷ đồng qua nghiệp vụ repo.

Như vậy, với khối lượng hút ròng lớn trên OMO cho thấy thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục dư thừa, xuất phát từ việc tổ chức tín dụng không cho vay ra được khi nợ xấu lên cao.

Từ đầu tháng 11 tới nay, lượng vốn NHNN bơm ra trên thị trường mở rất nhỏ, cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện. Nguồn: SBV/GAFIN
Từ đầu tháng 11 tới nay, lượng vốn NHNN bơm ra trên thị trường mở rất nhỏ, cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện. Nguồn: SBV/GAFIN

Thứ hai, cán cân thanh toán tổng thể năm nay được dự báo thặng dư kỷ lục 10 tỷ USD. Con số thặng dư này chỉ thấp hơn mức thặng dư 10,1 tỷ USD vào năm 2007 - năm đầu tiên sau khi Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam theo số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) năm 2012 đạt khoảng 22 - 23 tỷ USD, cao gấp đôi so với đầu năm cũng là một điều kiện để NHNN cho phép bơm tiền xử lý nợ xấu.
Tiếp theo đó chính là việc kiểm soát lạm phát cả năm ở 1 con số, mà theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 7,5%.

Tuy nhiên, NHNN cũng phải thận trọng với kế hoạch bơm tiền. Sắp tới, tháng 1 và tháng 2 sẽ là cao điểm về thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi người dân có nhu cầu tiền mặt cao để tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, hồi tháng 1/2012 (dịp Tết Nguyên đán), tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tăng đột biến lên gần 14,5% - so với mức bình quân 11-12% của các tháng. NHNN cũng phải bơm tới 208.000 tỷ đồng trong tháng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Trong khi đó, giá điện vừa mới tăng thêm 5% kể từ ngày 22/12 và sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng tới vì đây là chi phí đầu vào của nhiều ngành.

Như vậy, việc NHNN lựa chọn thời điểm "bơm vốn giải cứu" trong quý II và quý III năm 2013 cho thấy sự cân nhắc tới yếu tố mang tính thời vụ này, song, cũng không thể chủ quan.

Mới đây, NHNN công bố hạ trần lãi suất huy động giảm về 8%/năm, sau khi đã giảm tới 5% kể từ đầu năm, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất hàng loạt biện pháp miễn giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp trong năm 2013. Còn nhớ, năm 2009, đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu trị giá 160.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD khi đó) qua việc hỗ trợ lãi suất 4% với các doanh nghiệp, miễn giảm và giãn thuế, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn..., sau đó, lạm phát năm 2010 lên tới 9,2% và năm 2011 lên tới 18,6%, gây ra bất ổn trong kinh tế vĩ mô.

Do đó, NHNN cần tiếp tục xem xét các yếu tố vĩ mô để bơm vốn với liều lượng và thời điểm hợp lý, bởi giải quyết nợ xấu là vấn đề rất cấp bách hiện nay nhưng nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn ở mức cao.

Trước mắt, với lượng vốn dồi dào hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng chọn cho mình kênh đầu tư an toàn là trái phiếu. Tuần qua, trên thị trường sơ cấp, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gọi thầu 7.660 tỷ đồng trái phiếu và thu về được 7.195 tỷ đồng, tăng 40% so với lượng huy động được tuần trước. Tỷ lệ trúng thầu tuần qua đạt 95%.Trong cuộc khảo sát mới đây của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đa số ý kiến cho rằng các tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong năm tới.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới