Hủy

Cột mốc 600 điểm và những cơ hội

Thứ Hai | 02/11/2015 16:03

Các dự báo cho rằng, ngay trong tháng 11 và tháng cuối năm, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên, khi NĐT lạc quan hơn.
 

Trong những ngày cuối cùng của tháng 10/2015, TTCK đã chứng kiến cột mốc tâm lý 600 điểm bị phá vỡ, khi NĐT nước ngoài liên tục đổ tiền vào các cổ phiếu Việt Nam.

Theo nghiên cứu của CTCK Sài Gòn (SSI), trong thời gian ngắn vừa qua, quỹ đầu tư iShare MSCI Frontier 100 Index đang đổ tiền vào một số mã blue chips là MSN, VIC và STB… Tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong cơ cấu danh mục của quỹ này hiện là 2,26%.

Cot moc 600 diem va nhung co hoi
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng môi giới cá nhân SSI, với thay đổi trên, dường như MSCI đang muốn “nâng hạng” TTCK Việt từ cận biên (Frontier market) lên mới nổi (Emerging market). Nhất là khi các công ty có giá trị lớn ngày càng xuất hiện nhiều, thanh khoản thị trường tốt hơn, cũng như tiêu chí về tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài đang được triển khai. Vậy, việc này mang lại ý nghĩa gì cho TTCK Việt Nam?

MSCI là công ty xây dựng các chỉ số, đang quản lý tới 9,5 nghìn tỷ USD tài sản đầu tư vào các chỉ số này. Việc Việt Nam lọt vào chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI sẽ mở ra cơ hội nhận được thêm một luồng vốn đầu tư mạnh từ các NĐT ngoại.

Theo tính toán của các chuyên gia, thậm chí quy mô thu hút có thể tăng mạnh lên gấp 8 lần so với con số trước đây, nhờ tỷ lệ tài sản mà quỹ phân bổ vào thị trường Việt Nam có thể tăng mạnh từ mức trần 2,3% hiện nay lên tới 19%. Và rõ ràng, TTCK có lý do để kỳ vọng việc nâng hạng này sẽ đến sớm!

Các dự báo cũng cho rằng, ngay trong tháng 11 và tháng cuối năm, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên, khi NĐT lạc quan hơn vào kết quả kinh doanh của các công ty lớn.

Điển hình trường hợp Vinamilk đã thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2015 rất khả quan, khi doanh thu tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 30.000 tỷ đồng. Nhờ giá nguyên liệu đầu vào và chi phí năng lượng giảm nên lợi nhuận biên được cải thiện đáng kể. Lợi nhuận ròng của Vinamilk tăng ấn tượng 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.800 tỷ đồng.

Hiện tại, giá cổ phiếu VNM của Vinamilk trên thị trường đã khá cao so với mặt bằng chung, P/E hiện tại vào khoảng 21 lần, gần gấp đôi so với mức trung bình của thị trường. Có được kết quả đó một phần nhờ vào thành tích trong kinh doanh của DN, nhưng một nhân tố tích cực khác chính là việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang lên kế hoạch thoái hơn 45% vốn cổ phần nắm giữ tại VNM, bởi Vinamilk luôn là cổ phiếu kín room ngoại từ trước đến nay.

Một lĩnh vực sôi động khác chính là kinh doanh ô tô xe máy. Sức tiêu thụ lớn trên thị trường cũng giúp các DN kinh doanh trong ngành này hưởng lợi lớn. Điển hình là Hoàng Huy, ô tô TMT đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất tốt trong nửa đầu năm và nhiều khả năng tình hình sẽ tiếp tục khả quan trong nửa cuối năm nay.

Một DN kinh doanh lớn khác là Savico cũng thể hiện khá ấn tượng tình hình kinh doanh. Doanh thu thuần của Savico trong quý III/2015 đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng mạnh đến 34% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hơn 50 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Dường như, may mắn đang đến với tân Tổng giám đốc Mai Việt Hà của công ty này, ngay trong năm đầu tiên đảm nhận trọng trách.

Nhìn chung, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng, BĐS và xây dựng đang hưởng một năm rất hứng khởi về kinh doanh. Trong khi đó, các DN phụ thuộc lĩnh vực xuất khẩu như thủy sản đang gặp những thách thức lớn khi nhu cầu bên ngoài suy yếu. Điển hình là thủy sản Minh Phú gây bất ngờ cho thị trường khi bị lỗ trong quý II/2015. Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 11 tỷ đồng, chưa bằng 1% kế hoạch năm.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới