Hủy

Cuộc chơi năng lượng sạch

Thứ Năm | 14/07/2016 07:30

Các thương vụ M&A trong ngành năng lượng tại Việt Nam diễn ra khá phổ biến, nhưng sự xuất hiện của các đối tác ngoại lại không nhiều.
 

Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC và Quỹ đầu tư Armstrong South East Asia Clean Energy Fund (Singapore) đã quyết định góp thêm lần lượt 16% và 20% vốn vào Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC).

Đây là bước chân đầu tiên của những tổ chức này vào thị trường điện Việt Nam, dù trước đó IFC và Armstrong đều có các dự án điện trên quy mô toàn cầu. IFC đã đầu tư khoảng 1 tỉ USD qua 75 dự án thủy điện ở 25 nước trong vòng 10 năm qua. Armstrong thì có 50 dự án năng lượng tái tạo trên thế giới, mà đích đến chủ yếu của quỹ này là các nước Đông Nam Á, với những dự án có quy mô đầu tư lớn hơn GEC của Việt Nam. Trong đó, Quỹ hoạt động tích cực nhất là ở Thái lan và Philippines. Vì thế, khi những người chơi quốc tế như IFC và Armstrong đến với GEC, họ đã mang theo hy vọng cho ngành sản xuất điện ở Việt Nam, đặc biệt là năng lượng sạch.

Hãy nói về GEC. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Thủy điện Gia Lai, bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2010 và đi theo chiến lược M&A thâu tóm các công ty cùng ngành từ năm 2013. Đến nay, có thể xem GEC hoạt động theo mô hình công ty sở hữu tài sản, với 6 công ty thủy điện (15 nhà máy) và 5 công ty nhiệt điện (8 nhà máy). GEC tập trung vào 3 trụ cột chính: thủy điện nhỏ (nhiều nhất), nhiệt điện và năng lượng tái tạo (hiện mới chỉ trong giai đoạn chuẩn bị).

Tham vọng của GEC trong lĩnh vực sản xuất điện rất lớn. Công ty này một mặt liên tục thực hiện M&A các công ty thủy điện nhỏ ở khu vực miền Trung, mặt khác vẫn đưa ra các dự án thủy điện mới. Đến năm 2020, GEC dự kiến đưa 8-10 nhà máy mới vào hoạt động với tổng công suất 271 MW, trong khi tổng công suất hiện tại là 84 MW (chỉ tính lĩnh vực thủy điện), thuộc hàng quy mô trung bình nếu so với các công ty thủy điện lớn khác.

Dù vậy, theo GEC, định hướng lâu dài của Công ty là tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện tại, GEC lắp đặt hệ thống điện mặt trời theo kiểu “tự cung tự cấp” cho mình và các công ty khác trong cùng hệ thống. GEC cũng đang trong quá trình hoàn tất pháp lý cho dự án điện gió ở Bến Tre có công suất 6 MW. Trong tương lai, dự án điện mặt trời của Công ty tại Ninh Thuận sẽ được đưa vào hoạt động với công suất 10 MW.

Đầu tư vào ngành điện ở Việt Nam luôn có chỗ đứng bởi nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng và giá bán được điều chỉnh theo hướng đi lên. Nhưng với lĩnh vực năng lượng sạch, đó còn là một dấu hỏi về chi phí.

Năng lượng sạch không mới trên thế giới, song vẫn còn xa lạ ở Việt Nam vì quy mô đầu tư lớn, nên hạn chế số người chơi tham gia. Tuy nhiên, điều này dường như đang dần thay đổi. Năm ngoái, theo thống kê của Bloomberg, tổng giá trị tài trợ cho lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam (tính lũy kế) đã tăng 289%, lên đến 248 triệu USD.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều dự án năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời, đã được cấp phép và triển khai. Các dự án mới được cấp phép gần đây có thể kể đến như dự án điện mặt trời Tuy Phong của DooSung Vina (Hàn Quốc) với quy mô đầu tư 66 triệu USD, công suất 30 MW ở Bình Thuận, dự án điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh giai đoạn 2 có công suất 96 MW, quy mô đầu tư 130 triệu USD.

Quốc tịch nhà đầu tư cũng ngày càng đa dạng hơn khi gần đây, AirCraft Company (Đức) đang nghiên cứu dự án điện mặt trời tại Quảng Trị, EGAT International (Thái Lan) thì nhắm đến tỉnh Bình Định. Trong khi đó, General Electric (Mỹ) vừa ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1.000 MW điện gió tới năm 2025. Tập đoàn này cũng đang vận hành dự án điện gió tại Bạc Liêu.

Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư nội dường như cũng cảm thấy sốt ruột, mà nhảy vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn. Bên cạnh GEC, còn có Tổng Công ty Điện lực Miền Trung với dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung có công suất dự kiến 150 MW, quy mô đầu tư 1.900 tỉ đồng đặt ở Cam Ranh, Khánh Hòa.

Vậy đâu là động lực để đầu tư vào ngành năng lượng sạch? Lợi thế của những “nông trại kiểu mới” là xây dựng nhanh. Như điện gió mất khoảng 9 tháng hoặc hơn một chút, năng lượng mặt trời thì 3-6 tháng, trong khi các dự án than đá, gas, thủy điện mất vài năm, điện hạt nhân thậm chí còn lâu hơn. Vì vậy, đối với những nước đang phát triển trong cơn “khát” điện, xây dựng năng lượng tái tạo có vẻ như là lựa chọn hợp lý trước mắt. Hơn nữa, năng lượng sạch hiện nhận được sự ủng hộ của giới chính trị gia, với những cam kết chung về giảm lượng khí thải carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Viễn cảnh của ngành năng lượng sạch cũng ngày càng tươi sáng hơn. Theo Bloomberg New Energy Finance, cuộc chiến giá về lâu dài sẽ thuộc về năng lượng sạch, dù cho hiện tại giá than đá và khí đang thấp. Hơn nữa, chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ hơn. Theo Washington Post, tại Anh và Mỹ, chi phí sản xuất điện gió lần lượt là 85 USD/MWh và 80 USD/MWh, trong khi chi phí sản xuất nhiệt điện ở cả hai nước này đều trên 100 USD/MWh, còn chi phí sản xuất điện mặt trời trung bình là 122 USD/MWh.

Hãy trở lại với GEC. Báo cáo xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2016 của Bloomberg New Energy Finance và Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP) nhận định, Việt Nam là nước đang có xu hướng tập trung nhiều vào điện gió và điện mặt trời, song quy mô không lớn. Điều này hoàn toàn đúng với GEC. Quy mô đầu tư điện gió lẫn điện mặt trời của Công ty hiện công bố là khá khiêm tốn. GEC vẫn đang tập trung nhiều hơn vào thủy điện, vì đây là lĩnh vực tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Có lẽ, năng lượng tái tạo cũng mới chỉ là bước thăm dò thị trường của GEC. Điều này một lần nữa cho thấy thị trường năng lượng sạch vẫn đang chờ nút thắt về giá bán điện được tháo gỡ trong tương lai. Hoặc có thể sau khi phình to bằng con đường M&A, GEC mới tính đến chuyện làm dự án lớn.

Thiên Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới