Hủy

Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân

Thứ Ba | 12/06/2012 22:20

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nếu tăng mức phạt chậm nộp thuế lên 0,07%/ngày sẽ tương ứng với khoảng 25,2%/năm, quá cao so với lãi suất ngân hàng.
 

Chiều nay (12/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Nhiều đại biểu cho rằng, nên giữ nguyên mức phạt chậm nộp thuế hiện nay là 0,5% một ngày, thay vì tăng lên 0,7% một ngày theo dự án luật sửa đổi.

"Hiện nay mức lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 14 - 15% năm, mức phạt giảm theo luật hiện hành 0,05% một ngày, tương ứng với 18% một năm. Do tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, nên sẽ tương ứng với mức lãi suất ngân hàng được tính trừ vào thu nhập chịu thuế khoảng 24% một năm. Do vậy, mức chậm nộp tiền thuế hiện nay đã là cao so với lãi suất của ngân hàng, nếu quy định chậm nộp tiền thuế theo mức 0,07% một ngày tương ứng với khoảng 25,2% một năm nữa thì lại là quá cao", đại biểu Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) phát biểu.

thuế thu nhập cá nhân
Về thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) và hiện cũng là Chủ tịch ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, mức thu nhập chịu thuế hiện nay là không hợp lý, chưa tính đúng, tính đủ chi phí tối thiểu cho người lao động để tái tạo sức lao động, trang trải các chi phí xã hội cần thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, theo vị đại biểu này, mức thu thuế hiện nay quá cao, từ 5% đến 35% đã ảnh hưởng đến động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

"Doanh nghiệp cố gắng cải thiện quỹ lương để người lao động có thu nhập cao hơn thì ngược lại phải đóng thuế cho người lao động nhiều hơn và thực tế phần cải thiện lương cho người lao động rất ít. Như doanh nghiệp chúng tôi có 19.000 cán bộ, nhân viên thì việc lo quỹ lương, lo làm sao cải thiện cho anh em có một phần nào tốt hơn thì thật sự quá nặng", ông Hùng nói.

Xem xét kinh nghiệm của vài nước quy đổi theo ngang giá sức mua PPP năm 2010, mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam cao. Ví dụ Thái Lan 8,19 triệu, Trung Quốc 7,6 triệu, trong khi Việt Nam thu nhập tính thuế là 5 triệu.

Ngoài ra, theo ông Hùng, mức giảm trừ gia cảnh hiện quá thấp - 1,6 triệu, một người, một tháng, lại quy định cố định không tính đến yếu tố trượt giá, nhu cầu an sinh xã hội, khả năng thu nhập mức sống của người dân để xác định mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

Do đó, ông Hùng đề nghị: Một là, tính lại mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân. Hai là, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh theo mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ hàng năm không cố định, nên căn cứ theo tình hình thực tế nhu cầu an sinh xã hội, khả năng thu nhập của người chịu thuế. Ba là, bỏ thuế suất 35% ở bậc 7, xem xét khoảng cách giữa các bậc thu nhập để tính thuế, giãn độ rộng thu nhập của từng bậc thuế, khuyến khích thu hút các chuyên gia giỏi về làm việc tại Việt Nam. Bốn là đối với những khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế cần quy định rõ ràng hơn các thu nhập chịu thuế, thu nhập không chịu thuế.

Liên quan đến vấn đề chống chuyển giá, nhiều ý kiến tại hội trường cho rằng dự án luật chưa có những biện pháp cụ thể để chống hành vi này.

"Hình thức chuyển giá của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng phát triển trong thời gian tới. Việc này làm thất thu một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể chuyển giá là hành vi trốn thuế, gian lận thuế thời gian qua làm cho cơ quan quản lý thuế gặp nhiều khó khăn trong việc công tác xử lý phát hiện. Vì vậy, cần bổ sung cụ thể hành vi chuyển giá là hành vi trốn thuế, gian lận thuế", đại biểu nêu ý kiến.

Nguồn DVT/Quốc hội


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới