Hủy

Đằng sau hoài nghi nợ xấu SCB giảm quá nhanh

Thứ Sáu | 21/03/2014 16:27

Sau 2 năm tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khối lượng nợ xấu khổng lồ giảm kỷ lục từ trên 7% xuống còn 1,63%.
 

Trả lời của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB

Tái cơ cấu đã khiến nợ xấu của SCB giảm kỷ lục từ trên 7% xuống còn 1,63%. Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến hoài nghi SCB giảm nợ xấu quá nhanh?

Nợ xấu là vấn đề lớn và gai góc, không chỉ với ngân hàng Sài Gòn (SCB) mà với rất nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) khác, là nút thắt khiến dòng vốn tín dụng không thể đến được với các DN trong nền kinh tế. Do đó, trong quá trình tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu 2012-2014, SCB đã tập trung nhiều công sức, áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để xử lý hiệu quả vấn đề này.

Một kết quả mà SCB đạt được sau hai năm tái cơ cấu 2012-2013 là giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng an toàn 3%.

Bên cạnh các biện pháp nội bộ, SCB còn sớm liên hệ với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và bán một phần nợ xấu cho VAMC, với hơn 6.000 tỷ đồng trong quý 4/2013.

Sau khi bán nợ xấu, SCB đã cùng VAMC đẩy mạnh việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và kể cả phát mãi tài sản đảm bảo… SCB dự kiến sẽ tiếp tục rà soát để bán tiếp khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong thời gian tới để đưa hoạt động của SCB đạt mức an toàn cao nhất khi giảm được nợ xấu.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh doanh của SCB đều giảm so với năm 2012...

Tính đến cuối năm 2013, các chỉ số tài chính của SCB đều được cải thiện. So với cuối 2012, tổng tài sản SCB tăng 21%, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng gần 40%, tín dụng tăng 1% (tín dụng chỉ tăng nhẹ trong năm 2013 do SCB tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc bán nợ cho VAMC, tập trung thực hiện mục tiêu tăng trưởng chất lượng tín dụng).

Riêng với mục tiêu lợi nhuận trong năm qua, SCB không đề cao mục tiêu lợi nhuận mà lợi nhuận làm ra chủ yếu dành để trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, không chỉ trong 2013 mà cả giai đoạn tái cơ cấu, SCB đã có chủ trương không chia cổ tức cho cổ đông và vấn đề này cũng đã được cổ đông chia sẻ, để tập trung khôi phục hoạt động của SCB.

Trong 2 năm tái cơ cấu, SCB đã trích dự phòng rất lớn đối với rủi ro nợ xấu. Sau này, khi nợ xấu được xử lý thì khoản dự phòng nói trên sẽ được hoàn nhập. Mặt khác, SCB cũng nhắm đến mục tiêu lâu dài khi hoạt động kinh doanh tại SCB được củng cố làm gia tăng giá trị nội tại cho SCB, từ đó giúp gia tăng giá trị cổ phiếu cho các cổ đông. Trong giai đoạn 2014-2015, SCB sẽ tiếp tục xin chủ trương chưa chia cổ tức, nhằm nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh để tiến đến những mục tiêu lâu dài hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và chưa thoát khỏi suy thoái, cộng với diễn biến thị trường không thuận lợi, nhiều ngân hàng TMCP năm qua không có khả năng tăng vốn. Tuy nhiên SCB vẫn tăng được vốn điều lệ thêm 1.711 tỷ đồng, để nâng vốn lên mức 12.295 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, trong khó khăn nhưng các cổ đông của SCB đã có cố gắng, nỗ lực và cam kết vững chắc trong việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, trích dự phòng…

Hiện vấn đề tăng vốn lên của SCB sẽ gặp khó khăn khi mệnh giá là 10.000 đồng/CP trong khi thị giá chỉ 3.500-4000 đồng/CP. Ông tính sao khi phương án tăng vốn năm qua đã không thành công theo kế hoạch?

Theo phương án thứ nhất, SCB sẽ tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn để tăng vốn cấp 2, trong trường hợp không thành công thì sẽ tăng vốn điều lệ với mức tăng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Vấn đề này đã được Đại hội cổ đông 2013 thông qua và giao cho HĐQT triển khai thực hiện. Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh của SCB.

Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đòi hỏi có sự hợp tác và nỗ lực từ cả 2 phía. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn hết sức kỹ lưỡng và chọn lọc khi đầu tư vào các TCTD, mặt khác về phía SCB cũng cần phấn đấu để nâng tầm của bản thân ngân hàng trước khi chào bán cổ phần, vì nếu thực hiện quá sớm có thể gây thiệt hại cho các cổ đông hiện hữu.

Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, SCB vẫn mời tư vấn nước ngoài chuyên nghiệp để giúp thực hiện việc tái cơ cấu một cách hiệu quả và nhanh chóng, cho dù chưa có cổ đông nước ngoài.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới